Điện thoại rớt nước, nên xử lý thế nào?

0
1138
(Last Updated On: Th7 1, 2018)

Chào tất cả các bạn, chiếc Smart phone yêu quý có lẽ là người bạn vô cùng thân thiết và bản thân nó vô cùng hữu dụng với chúng ta khi mà với thời đại công nghệ thông tin như hiện nay thì những chiếc điện thoại hay máy tính bảng, đều giúp chúng ta kết nối với mọi người trên thế giới, lướt web, xem phim, đặt mua hàng hóa, thậm chí là thanh toán cước các loại. Chính vì thế mà mỗi khi chúng bị lỗi, rơi, vỡ thì thật là tệ hại và cái điều thường xuyên hay xảy ra đó là chúng ta làm rớt gây nứt, bể màn hình điện thoại. Có thể tiếp tục sử dụng nếu cảm ứng còn tốt và bạn vẫn chưa muốn thay ngay màn hình hay tấm kính màn hình. Nếu nặng quá thì thay luôn và chỉ cần đem ra tiệm điện thoại thì có lẽ sau đó đâu lại vào đấy.

Tuy nhiên một trường hợp khác cũng rất hay xảy ra mà hậu quả của nó có thể chưa thấy được ngay mà người dùng chúng ta chỉ nhận ra sau một thời gian đó là khi những chiếc điện thoại bị rớt vào nước. Hay là bị dính nước do một nguyên nhân nào đó.

Và màn hình cũng là thứ thông báo cho chúng ta đầu tiên đối với sự cố này. Có thể là những vết loang như nước văng trên kính, hoặc là màn hình bị ám màu, nhiễu màu hay mờ nhạt (các bạn mở một hình ảnh toàn màu trắng chẳng hạn là nhận ra ngay).

Các vết loang trên màn hình do bị dính nước. Hình gốc: Ebayimg

Xét về lâu dài sẽ gây ra sự khó chịu bởi vì chiếc màn hình là chúng ta trực tiếp tương tác bằng hình ảnh và các thao tác chạm, bấm. Bị nhẹ thì vết loang có thể mờ dần, tuy nhiên có khi những vệt này không mất đi mà sau đó càng ngày càng tệ hơn như màn hình có sọc, rồi đèn nền màn hình cháy gây mất đèn màn hình và màn hình của bạn sẽ đen “thui lui”. Nguyên nhân là do máy bị ẩm, khi mà bạn chủ quan để chiếc điện thoại dùng tiếp mà không mang đi khắc phục sửa chữa do rớt nước.

Như vậy, chúng ta nên làm gì?

Trên mạng sẽ có rất nhiều bài viết cũng như thủ thuật để hướng dẫn các bạn khắc phục hậu quả khi điện thoại rớt nước hoặc dính nước. Và nguyên nhân dính nước thì cũng muôn vàn vô kể chẳng hạn như bạn đi mưa mà không có áo mưa che, chiếc điện thoại bạn để trong Ba lô hoặc túi quần cũng bị ướt theo, bạn nghĩ sẽ chẳng làm sao nhưng đến khi về nhà thì mới nhận ra. Có trường hợp đi bơi cầm theo điện thoại thế là cũng làm rớt điện thoại xuống hồ bơi chẳng hạn, rồi đi dạo biển mang theo điện thoại để chụp hình ai ngờ cũng làm rớt điện thoại xuống nước luôn.

Cũng có trường hợp mấy bạn để điện thoại gần đồ ăn, đồ uống rồi vô tình làm đổ nước, siro, rượu, nước trái cây, nước canh, cháo,…

Không chừa mấy bạn vệ sinh điện thoại không đúng cách như dùng nước hay cồn lau màn hình mà đổ nhiều quá làm nước thấm qua những khe hở ngoài máy như khe sim, lỗ gắn cổng 3.5mm hoặc là những khe hở khác trong quá trình bạn làm rớt máy, va đập tạo nên và nước tràn vào.

Một trường hợp nữa là các bạn dùng cồn để lau điện thoại, nếu không để ý có thể làm cồn chảy vào bên trong máy qua các khe hở cũng gây nên hiện tượng màn hình bị loang mờ, ngày nay thì nhiều điện thoại được thiết kế chống nước như iPhone 7,8 X (chống nước IP67), Sony Xperia Z (IP57), Samsung Galaxy S8, S8+ (IP68), LG G6 (IP68),… sẽ hạn chế được phần nào việc nước thấm vào bên trong gây hư hỏng linh kiện cũng như màn hình.

Nhưng dù có chống nước thì đó cũng là tương đối, nếu bạn làm rơi chiếc điện thoại của bạn xuống nước sâu với áp lực nước cao, hay bị ẩm do thẩm thấu thì các sự cố trên vẫn có thể xảy ra.

Các bạn có thể tham khảo về cấu tạo của màn hình:

Cấu tạo màn hình iPhone 6.

Bỏ qua tấm Force Touch trên iPhone 6S. Ở hình trên là cấu tạo màn hình iPhone 6 và iPhone 5S cũng tương tự và nhiều màn hình khác cũng thế. Nước có khả năng sẽ lọt vào và thấm vào giữa các tấm cấu tạo nên màn hình, khi đó việc sấy, hong khô hay cho điện thoại vào thùng gạo, túi hút ẩm sẽ không thể khắc phục mà cần can thiệp bằng cách mở máy ra và vệ sinh. (Như vệ sinh tấm phản quang, lau khô nước để tránh làm ẩm màn hình, vết ố, ẩm mốc về sau).

Các thành phần cấu thành nên hệ thống màn hình iPhone 6S

Tuy nhiên, những điều nên làm đó là:

  • Cách ly điện thoại ra khỏi nguồn nước ngay lập tức sau đó tháo PIN điện thoại ra.
  • Nếu điện thoại đã tắt nguồn, đừng vội vã bật nguồn hay cắm sạc để hy vọng chiếc điện thoại của bạn lên hình, làm vậy có khi tự phá chiếc máy của các bạn và khiến nó mau hỏng hơn.
  • Tháo miếng ốp lưng ra, lau khô ngay điện thoại bằng khăn (đừng lau bằng bông vì sẽ để lại tơ).
  • Bạn có thể dùng máy sấy, nhớ sấy ở mức nhẹ đừng nóng quá (nếu bạn am hiểu một chút về công nghệ thì làm, không thì thôi bởi có khi sấy làm hỏng máy thêm).
  • Nếu nhẹ, bạn có thể bật máy lên sau khi cảm thấy máy đã được lau khô và nước không thấm nhiều vào máy.
  • Trường hợp nặng và bạn đinh ninh chiếc máy của bạn đã bị thấm nước vào sâu bên trong linh kiện, các bạn hãy mang tới cửa hàng sửa chữa điện thoại uy tín gần nhất, nếu lúc đó là ban đêm, hãy tháo pin (nếu là pin rời) sau đó cho vào thùng gạo đợi sáng mai hãy mang đi sửa chữa.
  • Đừng cố gắng khắc phục nếu bạn không hiểu rõ về công nghệ, sẽ là gậy ông đập lưng ông đấy. Hãy để những kỹ thuật viên và thợ sửa chữa có tay nghề bởi họ có kiến thức, kinh nghiệm và trình độ hơn hẳn người dùng “amatuer” như chúng ta.

Và:

Mua một chiếc máy mới nếu bạn muốn.

Chúc các bạn đừng để “ướt” điện thoại của mình, dù bạn có là FA lâu năm hay đã con đàng cháu đống, dù có đi trong mưa bão hay là đi trên sa mạc Sa-ha-ra. Dù bạn đi núi Bà nà hay xuống biển bắt cá thì đừng để điện thoại rớt nước nhé. Có thể chúng mới gắn bó với bạn lâu được.

Bình luận