Thiết lập nhiều Modem với nhiều Access Point phục vụ mạng gia đình

0
1707
(Last Updated On: Th8 16, 2018)

Ngày nay khi các nhà mạng đua nhau phục vụ khách hàng với nhiều loại hình dịch vụ mạng băng thông rộng giá rẻ đi kèm đó với truyền hình trực tuyến có tương tác (giống như bạn đang xem phim trên máy tính có thể tua đi tua lại). Sim 3G, 4G với vô vàn gói cước hấp dẫn chẳng bù gì so với hồi 9, 10 năm trước. Muốn kết nối mới thế giới chỉ có cách đi ra quán Internet gần nhà. Nhà ai khá giả lắm thì mua được cái điện thoại có màn hình màu với độ phân giải bằng cái máy chơi game cầm tay xếp chữ ngày xưa rồi đăng ký DATA/GPRS thì gọi là chất lắm rồi.

Ấy vậy mà ngày nay, chiều gọi điện, sáng hôm sau thì thấy nhân viên nhà mạng đến kéo cáp, lắp đặt modem 4 cổng rồi 2 băng tầng (2,4Ghz với 5Ghz). Lên Speedtest thì có chậm lắm thì cũng 15Mbps=1.875MB/s rồi. Sim điện thoại thì chỉ cần nạp tiền rồi đăng ký gói 5,7 nghìn đồng thì tha hồ lướt web cả ngày (mình không tính mấy bạn lên Youtube hay stream bán hàng quần áo đâu nhé).

Cũng chính vì lẽ đó mà mạng bây giờ phủ sóng khắp nơi, người người nhà nhà ai cũng có wifi. Đi đến quán trà đá cũng hỏi chị ơi “pass wifi” của mình là gì vậy chị. Đến quán cà phê, karaoke, nhà hàng, quán nhậu mà ngay cả bệnh viện cũng thế, chẳng có nơi nào thiếu sóng wifi cả. Các bạn hay đi xe đường xa cũng nhận thấy, tiêu chuẩn xe khách bây giờ ngoài giường rộng, máy lạnh, khăn ướt, nước uống, nhà vệ sinh thì một thứ không thể thiếu đó là mạng wifi. Cho nên mọi người bây giờ hầu hết ai ai cũng Online cả. Đâu có như cái hồi tập tành đăng ký nick Yahoo đâu. Gửi từ tuần trước, tuần sau lên mạng đăng nhập vô mới thấy.

Kể với các bạn một kỷ niệm, thuở xưa khi mình còn học cấp 3. Mình mới quen với một bạn học cùng trường nhưng khác lớp rồi chẳng biết vì sao cùng gặp nhau trong lớp học thêm Anh Văn. Mưa gió thế nào cuối cùng cả hai quên mang ô theo. Vậy là ngồi trong lớp viết giấy làm quen luôn. Chỉ một cái nhìn thôi mà nhớ cả cuộc đời. Xong rồi sau đó còn xin nhau “nick” Yahoo nữa.

Mà mọi việc thì cũng chẳng có gì đáng nói nhưng rồi đến khi hết năm học lớp 10. Cô ấy mới nhắn tin nói những điều tình cảm tâm tư qua Yahoo của mình. Vậy mà đến giữa năm lớp 11 mới đọc. Đến khi đó cô ấy cũng chuyển trường vào trong thành phố học mất rồi. Con gái người ta ngại không dám thổ lộ, cũng không viết thư. Mà gửi qua Yahoo mới đau chứ. Qua đó các bạn cũng thấy tầm quan trọng của việc thường xuyên check mail và cập nhật tin tức thế giới rồi đấy.

Nãy giờ là mình tâm sự thôi. Và theo như tiêu đề mà mình viết thì các bạn cũng thấy rồi đấy. Mình sẽ hướng dẫn các bạn mở rộng mạng Wifi nhà bạn ra bán kính lớn hơn, đây không phải là giải pháp làm mạng của bạn mạnh hơn nhé (có thể gián tiếp giúp mạnh hơn), về bản chất là giúp phủ sóng rộng hơn, xa hơn để bạn không bị gián đoạn khi đi từ phòng này sang phòng khác, cũng như ra đằng trước sân ngôi nhà của bạn.

Mình giả sử như trên hình là bản vẽ của căn nhà, và chiếc modem màu đỏ được đặt ở giữa nhà như thế. Đó có thể là điểm đặt modem tôi ưu rồi. Tuy nhiên nếu căn nhà này có 3 tầng thì sao?

Một cách rất đơn giản mà hầu như bạn nào cũng biết đó là dùng một dây LAN kết nối Modem và Router Wifi.

Mô hình này Router B đóng vài trò là một Client dùng kết nối mạng có thông qua Ethernet và phát lại qua Wifi. Cái này tùy thuộc vào độ dài dây mà các bạn có thể kéo dài đến bao nhiêu tùy thích. Cách mở rộng này có ưu điểm là không cần phải cấu hình gì. Hầu như chỉ cần kết nối dây LAN là trên Router phát sóng được ngay và client khi kết nối vào Access Point của Router B là có mạng. Một số trường hợp chỉ cần thiết lập Router B là Disable DHCP server – có nghĩa là quyền phân phát địa chỉ IP phụ thuộc vào Modem A (Modem chính). Router B chỉ có nhiệm vụ phát sóng Wifi mà thôi.

Tuy nhiên, giả sử trường hợp đặt ra. Ngôi nhà này có tận 3 tầng thì không lẽ kéo dây từ tầng 1 lên tầng 2 hoặc tầng 3 sao?

Điều này có vẻ không khả quan cho lắm khi mà cách làm này bạn phải kéo một sợi dây rất dài và chằng chịt trong chính ngôi nhà của mình, có thể bạn bọc dây mạng lại bằng nẹp, có thể bạn đi dây một cách khéo léo chẳng hạn. Nhưng dù thế nào nó cũng sẽ tốn công sức của bạn khá nhiều đấy.

Chính vì thế giải pháp ở đây đó là sử dụng cách tận dụng khả năng tiếp sóng của một số Router đời mới.

Có ba hình thức chủ yếu để mở rộng sóng Wifi mà không cần tới dây LAN:

  • Sử dụng tính năng WDS (Wireless Distribution System)

Đây cũng chính là tính năng Reapeater (thực tế là Router sau sẽ kết nối vào Wifi của Modem hoặc Router Wifi trước đó, trở thành Client và sau đó dùng chính kết nối mạng đó phát thành sóng Wifi).

  • Tận dụng đường dây điện trong nhà để truyền tải tín hiệu mạng.
  • Bridge (giúp kết nối hệ thống mạng LAN – cách này tương đối phức tạo và thực tế dùng trong hệ thống nhiều máy tính và Client có dùng cả kết nối có dây nên mình không nói đến).
    Bạn có thể tìm hiểu cách thiết lập Bridge Point to Multi-Point với bài hướng dẫn đến từ nhà sản xuất Modem TP-Link ở trang Làm thế nào để cấu hình Wireless Access Point hoạt động theo chế độ Bridge Point to Multi-Point.

Cách thức dùng kết nối WDS để mở rộng sóng Wifi (cái này tương tự như Repeater nhưng có khác chút ít và có phần ưu việt hơn Repeater).

Trích dẫn có chỉnh sửa từ bài viết của trường Đại học Vinh:

Cách thiết lập 2 Router với chế độ WDS:

Cả 2 Router cùng bật chế độ WDS.
– Sau khi bật WDS xong, bạn sẽ đặt SSID (tên mạng wifi) cho 2 Router này, Các bạn đặt 2 tên khác nhau nhé để trong quá trình sử dụng có vấn đề gì xảy ra thì biết vấn đề xuất phát từ Router nào nhé.
– Chanel phải giống nhau, không được được để auto, vì khi để auto có khi mỗi lần modem Reset lại nó lại nhảy Channel khác khiến việc kết nối WDS giữa hai con này bị lỗi, ví dụ cùng là chanel 11.
– Đặt Pass Wifi cũng giống nhau, ví dụ WPA2, pass là vngeek.com. Nếu không dùng pass thì bỏ qua bước này.
– Trong phần cài đặt WDS, sẽ có phần add địa chỉ MAC, bạn sẽ add MAC của AP kia vào con AP này và ngược lại khi cấu hình WDS AP kia … bạn sẽ add MAC của con AP này vào.
– Có loại AP thì sẽ có bước search SSID của AP khác rồi add vào, có loại thì ko cần, bạn phải tự điền MAC của cái kia vào, bạn có thể vào status hoặc dưới AP củng có.
– Cuối cùng bạn reboot 2 Router nhé, sau đó từ modem ADSL hoặc là Modem quang của nhà mạng, bạn gắn dây vào cổng LAN của 1 trong 2 Router, lưu ý là gắn vào cổng LAN, ko gắn cổng WAN, vì có thể khi bật WDS nó sẽ auto tắt DHCP đi (nếu gắn vào LAN không được mới thử gắn vào WAN).
Kiểm tra : Router 1 cắm dây LAN của ADSL modem hoặc modem quang, Router 2 chỉ cắm nguồn, thử kết nối Router 2 bằng wifi hoặc bằng cáp, vào internet, hay vào trang cấu hình Router 1 => nếu được thì việc cài đặt thành công.

Thiết lập bằng cách thêm các Repeater (đơn giản + không cần dây nối + tốc độ giảm xuống một chút và tăng một chút độ trễ):

Việc thiết lập một hay nhiều Repeater là do nhu cầu cũng như khả năng tài chính của bạn. Sử dụng một Router như TP-Link WR740N hay 1043ND hoặc Archer C50 (băng tầng kép giá phải chăng) cũng có thể giúp bạn Repeat một mạng Wifi sẵn có để giảm dần khoảng cách giữa thiết bị đầu cuối cần kết nối mạng với Wifi đích.

Các bạn có thể tham khảo mô hình sau:

Đây là một ví dụ sử dụng mô hình Repeater, giải pháp để cải thiện mạng Wifi khi thiết bị phát và người dùng cuối có khoảng cách quá xa.

Các bạn có thể thấy rằng khoảng cách giữa Repeater và Modem/Router đích xa hơn nhiều so với khoảng cách giữa Repeater và thiết bị của người dùng cuối. Nhiều người nhầm tưởng nên mới đặt Repeater bên cạnh Router đích, như vậy vừa không có tác dụng gì mà lại làm chậm tốc độ mạng cũng như tăng độ trễ tới người sử dụng. Bởi vì các Router và Repeater kết nối với nhau dễ dàng và chúng thiết kế để có thể hoạt động ở khoảng cách xa (bởi Modem/Router chính sản xuất ra để phát Wifi còn chiếc Repeater có nhiệm vụ vừa kết nối tới SSID có mạng và phát lại một SSID khác cho người sử dụng, chắc chắn chúng phải làm tốt việc này hơn so với điện thoại, máy tính bảng hay một số thiết bị sử dụng sóng Wifi để kết nối vào mạng).

Bạn có thể thêm bao nhiêu Repeater tùy thích theo lý thuyết cho đến khi cạn kiệt địa chỉ IP LAN được cấp phát (nhưng không cần phải làm như vậy đâu, khi đó lại gây nghẽn Router chính). Dẫu sao mình vẫn khuyến khích sử dụng dây hơn để giảm đi độ trễ (dùng Repeater chắc chắc làm giảm tốc độ mạng đi đáng kể vì đường truyền bây giờ phải qua một thiết bị trung gian).

Bạn cũng có thể mở thêm Line mới (hơn một đường truyền cho gia đình hoặc công ty) để khai thác sức mạnh (tài nguyên cũng như tốc độ Internet) vì có thể là để dự phòng (dùng 2 ISP riêng biệt cho chắc ăn), Line nào rớt thì còn Line dự phòng còn lại, tuy nhiên đó là câu chuyện của quá khứ, hiện tại hệ thống mạng của các nhà mạng khá tốt và ổn định, việc mất kết nối khó xảy ra và nếu có cũng chỉ trong thời gian rất ngắn.

Bài viết sẽ còn được cập nhật nếu có bổ sung.

Chúc các bạn một ngày thật vui vẻ!

Bình luận