Làm thế nào để bảo mật tài khoản Facebook, Google?

0
389
(Last Updated On: Th11 9, 2018)

Chào tất cả các bạn, trong thời đại công nghệ số phát triển như vũ bão hiện nay thì vấn đề bảo mật thông tin rất quan trọng. Có lẽ các bạn sẽ chẳng xa lạ gì với những tin như bị “hack” tài khoản facebook, rồi bị “hack” gmail,… gây rất nhiều phiền toái cho chủ tài khoản cũng như người thân.

Đây là một ví dụ chủ tài khoản Facebook bị hack và bị kẻ xấu lợi dụng nhờ người thân gửi tiền.

Thà rằng bị mất tài khoản, chúng ta lập tài khoản khác, chịu mất đi nhiều hình ảnh đã tải lên thì chẳng nói làm gì. Nhưng cái hậu quả lớn hơn để lại đằng sau đó là kẻ xấu sẽ soi mới đời tư của bạn, đôi khi những bí mật của bạn tưởng như sẽ chẳng bao giờ có một ai khác biết thì giờ đây đã có một người nữa biết, và có thể sẽ thêm nhiều người biết nữa và vì sao thì bạn cũng biết rồi đấy.

Thêm nữa là người thân, người yêu cũ, bạn bè của bạn cũng sẽ bị kẻ xấu lợi dụng dưới danh nghĩa của chính bạn.

Chính vì thế nên việc bảo mật tài khoản cực kỳ quan trọng. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng. Chính vì thế bài viết này mình sẽ gửi các bạn một chút kinh nghiệm để bảo mật các tài khoản của mình.

  • Thêm số điện thoại và Email liên hệ – tưởng chừng như rất đơn giản tuy nhiên nếu xảy ra bất kỳ sự cố nào bạn cũng có thể tìm lại mật khẩu hoặc khôi phục tài khoản thông qua Email hay số điện thoại này. Hầu như mọi đăng ký đều yêu cầu Email mà ít khi nào cần đến số điện thoại, tuy nhiên thêm số điện thoại vào thông tin liên hệ vẫn là một hành động đảm bảo an toàn về sau.
    Thêm số điện thoại liên hệ để tìm lại mật khẩu cũng như khôi phục tài khoản khi bạn không thể truy cập vào Email. Việc tài khoản Email bị sự cố sẽ dễ xảy ra hơn so với số điện thoại, bởi vì bạn chỉ cần nhận mã bảo mật.
  • Đặt mật khẩu khó đoán và phức tạp một chút: Đây là điều hết sức đơn giản nhưng nhiều người không hề coi trọng. Một mật khẩu dễ đoán thì chắc chắn khả năng người khác đánh đúng mật khẩu của bạn càng dễ xảy ra hơn. Chưa kể kỹ thuật Brute Force Attack cũng sẽ dễ dàng tìm thấy mật khẩu của bạn hơn. Hãy đặt một mật khẩu phức tạp, kiểu như: m@tkhaaur:VnGeek.c0m
    Có đủ ký tự hoa và thường, ký tự đặc biệt “@” và cả số “0” nữa.
    Trang kiểm tra độ mạnh mật khẩu của bạn: Password Meter.
  • Dùng mật khẩu các tài khoản đăng ký khác với mật khẩu của Email chính: Thông thường bạn có thể sử dụng một mật khẩu cho tất cả tài khoản. Tuy nhiên để bảo mật hơn cả, bạn hãy dành riêng mật khẩu truy cập vào Email mà bạn chưa từng dùng tại bất kỳ nơi đâu để đảm bảo bạn chỉ gõ mật khẩu đó chỉ khi truy cập vào Email mà thôi. Chưa kể nhiều trang Web cũng không an toàn. Ngay cả kết nối https cũng không được thiết lập khi người dùng đăng nhập hay điền những thông tin quan trọng.
  • Đừng cài đặt các chương trình không rõ nguồn gốc, Crack vào máy tính bạn làm việc hay sử dụng: Có rất nhiều cách Hacker xấu dùng mã độc, virus, back-door nhắm vào các chương trình được bẻ khóa, cung cấp miễn phí tới nhiều người dùng và những chương trình xấu đó có thể là một mạng Bot-net, hoặc là Keyloger có thể ghi lại những thông tin bạn gõ từ bàn phím và vô vàn các mối hiểm nguy khác. Chính vì thế bạn đừng nên dùng các chương trình như vậy, không tôt chút nào đâu.
  • Đối với thẻ tín dụng: Cài này thường các nhân viên ngân hàng sẽ không hướng dẫn cho bạn nhưng bạn cần phải biết, đó là bạn phải bảo mật mã thẻ của mình, tên, ngày hết hạn cùng với CCV code (3 số để Verify card, chấp nhận thanh toán trừ tiền). Khi nhận được thẻ bạn có thể dùng bút tẩy trắng để che đi 3 con số cuối đi. Hạn chế thanh toán trực tiếp bằng thẻ Visa hay Master Card mà nên thông qua dịch vụ bên thứ 3 như PayPal, Zalo Pay,… cũng như quẹt thẻ nơi công cộng. Cứ rút ra dùng tiền mặt để bảo mật thông tin thẻ vẫn an toàn hơn nhiều.
  • Tài khoản của bạn, cũng chỉ là của bạn, đừng để ai mượn tài khoản dù chỉ một lần: Việc cho mượn tài khoản (Google, iCloud, Yahoo,…) đều là điều không nên. Bởi vì một ai đó truy cập tài khoản của bạn bằng mật khẩu của bạn cho biết cũng không tốt chút nào. Trừ trường hợp bạn muốn ủy thác cho một ai đó thì tốt hơn đó là thêm một Email khôi phục của người thân. Còn tài khoản hiện tại của bạn thì đừng cho mượn bao giờ cả. Bởi vì có thể bạn của bạn sẽ đăng nhập ở một máy tính công cộng nào đó, trên một chiếc điện thoại cũ không còn bảo mật tốt,…
  • Đừng bấm vào đường link lạ mà bạn không chắc nó dẫn tới đâu: Đó có thể là việc bạn cho phép một ứng dụng nào đó có quyền truy cập nhất định vào tài khoản của bạn, hay tải về một Bot-net, cũng có thể là trang đăng nhập giả mạo, khiến bạn lầm tưởng là trang chính thống nhưng thực tế là không phải.

Bình luận