Cấu hình WDS trên Router TP-Link (Firmware gốc)

0
374
(Last Updated On: Th3 13, 2019)

Xin chào tất cả các bạn độc giả của VnGeek.

Sau một thời gian tìm hiểu và thực tiễn ứng dụng công nghệ WDS (mình có làm giúp bạn mình mở quán cà phê, và “dự án” này mục đích đó là mở rộng mạng Wifi cho quán cà phê, một cách tiết kiệm và gọn gàng nhất).

Quán cà phê bạn mình kết nối một đường truyền NET3 của Viettel. Và tốc độ kiểm tra thực tế thông qua SpeedtestSpeedSmart đó là khoảng 25Mbps. Cái này thì quá dư dùng cho một quán cà phê (trước đây quán gần nhà mình chỉ dùng đường truyền ADSL với tốc độ Download/Upload là 6Mbps/1Mbps vẫn đủ phục vụ tầm chục khách – tất nhiên là hồi đó mạng xã hội, YouTube không phát triển như bây giờ. Gặp như bây giờ mà một khách Upload tấm hình độ phân giải 15 Megapixel với dung lượng tầm 5MB thì có mà lác toàn server :).

Tất nhiên một quán cà phê có diện tích 6x70m. Thật ra nếu đặt một Router ở trung tâm thì vẫn có thể phục vụ các khách hàng. Tuy nhiên thực tế thì những ai ngồi gần mới có thể lướt facebook, xem video mượt mà, những người ngồi ở xa thì chỉ có tầm 1 –> 2 vạch sóng và dĩ nhiên xem YouTube sẽ giật, lác (mình quy ước là chỉ cần xem YouTube ở chất lượng 720p mà mượt mà là tạm ổn) và nếu khi khách đông lên thì có thể đọc báo, chẳng thể nào Facetime hay xem YouTube được.

Và tất nhiên, mình có một nhiệm vụ nữa đó là chịu trách nhiệm gánh tải cho Modem của nhà mạng. Nếu bắt nó vừa thực hiện nhiệm vụ của một Converter quang, một Access Point Wifi gánh tải hàng chục người thì chắc chắn chất lượng mạng sẽ không thể nào tốt được.

Mới đầu, mình đã thử nghiệm phương án dùng dây LAN để nối Router mở rộng với Modem nhà mạng:

Modem nhà mạng chỉ có nhiệm vụ đó là làm một Converter quang và quay số PPPoE, Router mở rộng sẽ thực hiện việc phát Wifi và cấp phát DHCP, gánh tải cho các Client kết nối vào truy cập mạng.

Tất nhiên chúng ta có thể mở rộng thêm một Router khác, và Router này kết nối vào Router mở rộng như hình bên dưới:

Bạn có thể mở rộng thêm rất nhiều Router khác nữa. Và vẫn đảm bảo tín hiệu không bị suy giảm. Cắm vào cổng LAN để tất cả các Client nội bộ có thể “nhìn” thấy nhau. Mà chúng ta thường hay gọi là “transparent bridge”. Các Client có thể Ping thấy nhau. Nếu cắm vào cổng WAN, thì bạn nên chạy khác Subnet để không bị xung đột IP, nếu vẫn muốn chung Subnet, thì cần cấu hình dải IP không trùng lặp, chẳng hạn ở Router B: 192.168.1.10 –>192.168.1.50 còn Router C: 192.168.1.51 –> 192.168.1.100,…

Và dĩ nhiên, chúng hoạt động tốt, không có gì phải bàn cãi.

Nhưng khuyết điểm: Dây nhợ lằng nhằng, trông không chuyên nghiệp cho lắm (Mặc dù đạt được hiệu suất cao). Tất nhiên theo trên mô hình mình dùng dây Ethernet. Nếu bạn dự định kéo xa hơn khoảng cách 100m thì bạn có thể lựa chọn dùng thêm Converter quang để tín hiệu không bị suy hao, ưng thì kéo cáp quang đến cả chục km còn được.

Và một giải pháp đơn giản hơn, và cũng rất dễ cấu hình, không phải lo thêm dây nhợ. Đó là cấu hình WDS (Wireless Distribution System).

Các Router được cấu hình WDS sẽ giao tiếp với nhau như trong một mạng nội bộ. Và Client khi kết nối với Router nào thì cũng sẽ được xử lý y như là trên một Router tổng. Các Client có thể “Ping” thấy nhau, kết nối với nhau mà không gặp phải rào cản gì.

Và theo như kinh nghiệm của mình, Router chính (Router có kết nối mạng kết nối với Modem gốc) có thể dùng Firmware OpenWRT. Còn các Router đóng vai trò là một WDS Client thì nên dùng Firmware gốc của TP-Link là tốt nhất (mình đã thử nghiệm).

Bước 1: Bạn vào cấu hình Wireless cấu hình WDS:

Chọn Survey sau đó tìm Wifi của Router mở rộng A, như trong trường hợp của mình đó là SSID: VnGeek, điền mật khẩu mà bạn đã thiết lập trên Router mở rộng A nhé.

Tiếp đến vào cấu hình DHCP –> DHCP Settings

Bạn Disable cấu hình DHCP Server nhé. Vì giờ đây nhiệm vụ cấp phát IP là của Router mở rộng A.

Tiếp tục vào Network –> LAN

Bạn cấu hình IP Address là IP thuộc Subnet của Router mở rộng A nhé. Giờ đây Router B (WDS Client mà chúng ta đang cấu hình) sẽ trở thành môt Client của Router B, và bạn có thể quản lý với IP 192.168.1.3 như thiết lập.

Tương tự như thế, bạn có thể mua thêm một vài Router TP-Link nữa (nên cùng loại để WDS đạt hiệu suất tốt nhất và ổn định, nếu không cùng loại thì cũng nên trùng Chip) và cấu hình WDS như trên Router B của chúng ta kết nối với Router mở rộng A. Thêm 1, 2, 3 Router mở rộng nữa và chúng ta sẽ có hàng loạt SSID mới:

  • VnGeek 1
  • VnGeek 2
  • VnGeek 3
  • VnGeek Toilet
  • VnGeek Lau 1
  • VnGeek Lau 2

Trông khá chuyên nghiệp, và gánh tải phần nào cho Router tổng vì các Router khi nhận Client của mình sẽ có nhiệm vụ phải giải quyết các request (yêu cầu). WDS thực sự cũng như bạn cắm dây Ethernet kết nối các Router lại với nhau, chỉ khác là chúng kết nối không dây trực tiếp với nhau mà thôi.

Thực tế: Mình dùng Router 1043NDv3 tốc độ 450Mbps, băng thông chỉ giảm khoảng 1/3 so với Router gốc (ở khoảng cách 30m), và gần như bằng Router gốc (khoảng cách dưới 10m) khi kết nối Internet.

Bài viết trên đây có thể giúp ích cho bạn nào đang có ý định cấu hình mạng cho quán cà phê, nhà hàng,…

Ghi chú: Với các Router cùng loại, như mình dùng 3 con Router 1043NDv3, chúng “WDS thực sự” với nhau. Router C cách xa Router A hơn 100m và ban đầu mình kết nối nó với Router A, trên thực tế nó kết nối luôn cả con Router B ở trung tâm. Băng thông gần ngang với Router B.

WDS là cầu nối vô hình và chúng kết nối tất cả các Router lại với nhau khi cấu hình chung vào một mạng, với nhiều cây cầu “trong suốt”. Thật sự rất kỳ diệu.

Bình luận