Hiểu thêm về hoạt động thương mại điện tử hiện nay

0
566
(Last Updated On: Th6 14, 2018)

Xin chào tất cả các bạn, hẳn các bạn đã từng mua món hàng nào đó trên mạng. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như bạn chẳng gặp phải trở ngại gì. Ý mình nói đến ở đây đó là bạn mua được món hàng ưng ý với giá cả phải chăng là được gửi tận nhà. Mình cũng đã từng được hưởng cảm giác đó nhưng chỉ có một vài lần. Dân gian có câu đi đêm lắm có ngày gặp ma quả thật không sai. Mình đã từng mua hàng chục món hàng ở trên mạng, Từ thẻ nhớ điện thoại Cho tới cái bóng đèn rồi cục pin. Nhiều lần lười đến mức có thể ra ngoài cửa hàng chỉ cách vài trăm mét nhưng mình cũng lên mạng đặt hàng để khỏi phải bước chân ra khỏi nhà, tuy nhiên điều khiến bực bội và thất vọng nhất là những lần bị lừa khi mua hàng qua mạng.

Ngày nay rất nhiều thủ đoạn tinh vi được các đối tượng sử dụng để lừa đảo. Chúng áp dụng tất cả những mánh khoé, đánh vào điểm mạnh – cũng chính là điểm yếu của thương mại điện tử để chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Nói thật thì khó có cơ quan nào có thể kiểm soát được toàn diện, cũng như xử lý triệt để hoàn toàn khi mà mô hình mua bán trên mạng ngày nay trở nên phổ biến và rộng khắp.

Tại Việt Nam có các trang bán hàng điện tử như Lazada, Shoppee,… rất nổi tiếng và uy tín. Nhưng tràn lan trên mạng thì nào là công ty này bán hàng lừa đảo, công ty kia bán hàng lừa đảo…

Tuy nhiên mình xin khẳng định với các bạn thế này, bản thân các công ty thương mại điện tử họ không hề lừa đảo khách hàng, chỉ có các gian hàng – trong đó có thể là người bán hàng hoặc là một tổ chức bán hàng có mục đích xấu mà lừa đảo khách hàng thôi.

Phương thức buôn bán thương mại điện tử phổ biến hiện nay của các trang thương mại điện tử như Lazada và Shoppee chẳng hạn, họ đứng vai trò là trung gian. Một người nào đó muốn bán hàng hoá hay sản phẩm thì họ tạo tài khoản người bán hàng rồi đăng thông tin trên các trang này. Người mua hàng tìm kiếm thấy hình ảnh sản phẩm, hàng hoá phù hợp với nhu cầu mua thì thực hiện đặt hàng, nhận được hàng rồi, người mua trả tiền cho nhân viên bưu điện, mở hàng ra sử dụng, nếu có vấn đề thì trực tiếp khiếu nại với trang bán hàng. Và tất nhiên bên trung gian họ sẽ giữ tiền đó tạm thời mà chưa đưa cho bên bán đâu, khi nào bạn đồng ý trả tiền qua ứng dụng thì tiền mới gửi đến tay người bán.

Phương thức này dĩ nhiên là an toàn. Bởi có bên trung gian đứng ra giải quyết. Tuy nhiên cũng chính vì sự tiện lợi là giao hàng tận nhà cho nên có vấn đề gì bạn sẽ phải gửi lại hàng hoá lại cho bên trung gian để họ đánh giá. Thời gian để chuyển phát cũng sẽ tốn thời gian của bạn kha khá.

Nhưng chờ đợi mà có kết quả tốt ai cũng có thể chờ. Tuy nhiên đã bị lừa rồi thì âm thầm chịu đựng thôi.

Mô hình thương mại điện tử hiện nay chủ yếu theo B2C và C2C (Business to Customer và Customer to Customer) Tức là doanh nghiệp – nhà sản xuất cung cấp hàng hóa cho người mua và người bán bán hàng cho người mua, đồng thời cũng có thể là người mua hàng bởi ngay từ ban đầu họ cũng là người mua sản phẩm từ đâu đó sau đó bán lại cho khách hàng.

Ảnh: cmfenews.com

Chính vì đặc thù của những mô hình này mà ở B2C (Business to Customer) ít xảy ra những sự cố bởi ở phía doanh nghiệp và nhà sản xuất họ luôn muốn làm hài lòng khách hàng, bởi họ bán cho nhiều người và thị trường rộng lớn hơn bên ngoài.

Đối với mô hình C2C (Customer to Customer). Bởi bất cứ ai hoặc tổ chức nào cũng có thể trở thành, kiểu như mua đi bán lại kiếm lời, nếu là những người làm ăn chân chính thì không sao, đối với các đối tượng lừa đảo, thì những người này sẽ tận dụng những lổ hổng và điểm yếu của mô hình này để vụ lợi cho mình.

Hẳn trên mạng đã có những bài viết về những gian hàng trên Lazada lừa đảo khách hàng. Mặc dù Lazada đã phát hiện và chủ động hủy đơn hàng thì những đối tượng này vẫn lợi dụng uy tín của Lazada vẫn tiếp tục gửi hàng cho khách. Tất nhiên những sản phẩm này có thể là hàng nhái, hàng kém chất lượng trong khi bên ngoài bao bì giống hệt của Lazada, gây ra bao chuyện dở khóc dở cười và thiệt hại nhất vẫn là khách hàng. Bởi chúng đã có thông tin và địa chỉ của khách hàng rồi, không gửi lúc này cũng sẽ gửi lúc khác, ai mà đãng trí với lại không cẩn thận kiểm tra lại thì chỉ có mất tiền oan vì những thứ không đâu.

Mình viết bài này, thực sự hơi xa với chủ đề cho lắm, nhưng điều mình muốn gởi gắm tới các bạn đó là khi mua hàng online trên mạng, dù là ở trên trang nào cũng nên xem bình luận ở dưới thế nào (có trường hợp mấy anh bán hàng tự tạo tài khoản vào đánh giá cho mình luôn thì chịu thôi), xem gian hàng có uy tín hay không thì mới mua, đừng ham rẻ hơn mấy chục ngàn mà sau lại mất cả. Nên mua hàng ở những gian hàng chính hãng (Trên Lazada thì sẽ hiện Gian hàng chính hãng, trên Shopee thì chọn Shopee Mall). Còn đối với những mặt hàng rất lớn và có giá trị cao thì bạn nên ra cửa hàng để trông tận mắt, thấy tận tay hoặc đến tận công ty hay cửa hàng ủy quyền rồi mua, như vậy vẫn an toàn hơn cả.

 

Bình luận