Hãy chăm sóc, vệ sinh cho máy tính nếu bạn muốn nó hoạt động ổn định lâu dài

0
506
(Last Updated On: Th9 16, 2018)

Chào tất cả các bạn. Được sở hữu một chiếc máy tính để có thể phục vụ công việc cũng như giải trí thì thật là hạnh phúc. Tuy nhiên không phải chiếc máy tính sẽ tồn tại mãi mà phục vụ chúng ta, cũng sẽ có ngày nó bị trục trặc, nhẹ thì có thể sửa được, nặng hơn thì có khi cũng trở thành món đồng nát dành cho mấy cô hay mua phế liệu. Tuy nhiên ông bà ta có câu “của bền tại người” là hoàn toàn đúng chứ không sai. Nếu bạn biết gìn giữ, sử dụng đúng cách cũng như biết bảo quản, chắc chắn chiếc máy tính sẽ hoạt động bền bỉ, ít hư hỏng và dĩ nhiên sẽ tồn tại rất lâu. Vừa giúp bạn tiết kiệm được tiền của để mua một chiếc máy mới.

Dọn dẹp máy tính đơn giản nhiều khi chỉ là xóa đi những thứ không cần thiết để ổ cứng có nhiều không gian trống hơn.

Máy tính của chúng ta để hoạt động cần có phần cứng và sau đó chúng ta cũng sẽ cài phần mềm trên đó. Vậy thì không chỉ vệ sinh bên ngoài như bàn phím, chuột, thổi bụi bên trong thùng máy, lau các chân tiếp xúc như RAM, Card màn hình, các thiết bị dùng chân cắm PCI,… mà chúng ta cũng phải chú trọng tới phần mềm nữa. Bạn cứ tưởng tượng nếu bạn cài đặt một loạt các chương trình nặng, dù không sử dụng thì một phần các dịch vụ của chúng cũng sẽ chiếm tài nguyên của máy tính như CPU, bộ nhớ RAM và cả ổ cứng máy tính của chúng ta. Vô tình tạo nên “gánh nặng” cho hệ thống, xét về lâu về dài cũng sẽ ảnh hưởng tới tuổi thọ cũng như hiệu năng của máy tính.

Đơn giản ví như một chiếc xe tải thùng Hyundai Trago 5 chân được thiết kế chở hàng có tải trọng là 20 tấn, có một lần bạn chở cuộn thép có trọng lượng 5 tấn. Tuy nhiên chưa đến lúc giao cho khách hàng bởi vì phải tỉnh xa nên bạn để đó luôn, không muốn dỡ xuống. Ấy thế là bạn cứ chở hàng và để lại cái cuộn thép 5 tấn đó trên thùng xe. Như vậy vô tình xe của bạn chỉ có thể chở thêm 15 tấn hàng, đã thế lại tốn thêm dầu vô ích vì phải chở cuộn thép 5 tấn vì chẳng biết làm gì với nó. Nếu muốn chở được 20 tấn hàng, bạn lại phải chở quá tải 5 tấn, nâng tải trọng của xe lên 25 tấn, nếu tình trạng đó kéo dài, sẽ gây hại tới xe. Đối với máy tính cũng như thế. Hãy để chiếc máy tính bạn chạy một hệ điều hành phù hợp, các chương trình cần thiết hãy để lại. Còn không hãy dọn dẹp bớt đi.

Bắt đầu từ “phần cứng”:

Vệ sinh bàn phím: Phím bấm thì nên 1 tháng 1 lần. Không cần phải vệ sinh hàng ngày như chú chuột. Dùng một chiếc chổi phủi bụi trước, sau đó dùng khăn ẩm lau qua một lần, đừng quên lau khô ngay sau đó. Đừng dùng cồn hay các chất tẩy rửa thông thường vì như thế sẽ làm bay màu ký tự trên bàn phím.
Vệ sinh chuột: Vệ sinh các nút bấm, vì chuột là bộ phận chúng ta dùng khá nhiều và trong hầu hết các trường hợp cho nên hãy vệ sinh chuột hàng ngày, chẳng khó khăn gì khi bạn chuẩn bị một chiếc khăn mềm để sẵn đó. Bởi mồ hôi tay cũng như bụi bẩn để lại sẽ chẳng dễ chịu gì, và chẳng ai muốn cầm một con chuột “bẩn” cả.

Vệ sinh màn hình: Bạn cần lau màn hình khoảng 1 đến 2 tháng một lần, nên mua dung dịch lau rửa màn hình chuyên dụng. Nếu không có bạn có thể dùng khăn vải mềm thấm chút nước (nước sạch đã được lọc nhé, nếu không thì sẽ để lại những vệt do chất cặn trong nước bám vào) lau qua bề mặt và lau khô màn hình bằng một chiếc khăn khô mềm khác nhé.
Vệ sinh các lá nhôm tản nhiệt của HeatSink. Cái này một năm một lần là được rồi. Tuy nhiên nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để tháo ra mà không gây tổn hại đến CPU nhé. Bạn cũng đừng quên mua một Type keo tản nhiệt (mua ở cửa hàng máy tính) để bôi vào điểm tiếp xúc giữa CPU và mặt tản nhiệt của HeatSink. Lưu ý: Chải lớp keo tiếp xúc cũ của HeatSink bằng bàn chải đánh răng mềm, đừng dùng miếng rửa chén hay chùi Xoong vệ sinh nhé, vì nó sẽ làm xước bề mặt tiếp xúc HeatSink. CPU cũng tương tự như vậy, bạn chú ý làm hết sức thận trọng nhé. Chứ không thì công sức đổ sông đổ bể đấy.
Đối với Laptop, việc vệ sinh cũng không khó mấy, nếu chiếc máy của bạn đã hết hạn bảo hành và đã khá lâu từ khi mua bạn chưa từng vệ sinh bảo dưỡng. Thì cứ hãy mở ra nhẹ nhàng, vệ sinh cái quạt và các lá nhôm tản nhiệt của máy nhé.
Ở hầu hết Laptop, chỉ có duy nhất một chiếc quạt tản nhiệt cho toàn bộ hệ thống, nhờ các thanh đồng dẫn nhiệt từ CPU, VGA  hay các con Chip khác dễ bị nóng khi hoạt động, do đó bạn cũng chỉ cần vệ sinh các cánh quạt của quạt tản nhiệt, xịt bụi bẩn bám trên những lá nhôm, đừng quên bôi thêm một lớp keo tản nhiệt giữa CPU và thanh tản nhiệt. Lắp vào lại thật cẩn thận là coi như bạn đã vệ sinh xong cho chiếc Lap. Để tốt hơn bạn cũng hãy xịt bụi cho toàn bộ Main. Dùng một cái chổi lông mềm (mua ở tiệm máy tính) để quét đi bụi bám trên các linh kiện bên trong máy.

Bây giờ đến phần mềm:

Dùng phần mềm bản quyền, hệ điều hành cũng bản quyền, đừng download và cài đặt lung tung nếu bạn không phải là người am hiểu máy tính. Vọc vạch thì cũng có chừng mực, nếu tò mò quá có khi bạn cũng phải tiễn chiếc máy của bạn đi sớm hơn đấy.

Xóa bớt những thứ không cần thiết để ổ cứng có thêm không gian trống.
Sửa những lỗi thường hay xảy ra và phát sinh trong quá trình sử dụng máy tính bằng các phần mềm chuyên dụng.

Cập nhật Driver mới nhất cho máy tính của bạn. (Bao gồm Driver cho Chipset, Card màn hình, firmware cho các thiết bị ngoại vi,…) sẽ đảm bảo chúng hoạt động tốt hơn và được nhà sản xuất sửa lỗi. Trước đây mình có chiếc Lap Lenovo, mỗi lần khởi động cho đến khi chạy các chương trình thì quạt quay rất mạnh, nhiều khi không cần thiết (quay mạnh vừa mau tốn PIN, vừa mau hư quạt mà hiệu quả làm mát cũng không khá hơn bao nhiêu), sau khi mình nâng cấp firmware BIOS lên bản mới nhất, từ đó quạt chạy nhẹ nhàng hơn hẳn. Chỉ đơn giản như vậy thôi cũng khiến mình yên tâm hơn rất nhiều.

Một điều quan trọng nữa, hẳn các bạn đã nghe câu nói “Sống ở trên đời phải biết mình là ai!“. Thật là thâm thúy vô cùng, quay lại với chiếc máy tính của bạn, cũng nên biết sức mạnh của nó tới đâu, không phải cứ cài hệ điều hành mới nhất, các chương trình mới nhất là nó có thể hoạt động tốt. Máy tính không giống như con người. Chúng ta có thể học hỏi từng ngày, tiếp thu kiến thức qua năm tháng và phát triển trí tuệ cũng như phát huy năng lực làm việc hầu như không có điểm dừng. Nhưng máy tính thì khác, mặc dù bạn có thể nâng cấp cho nó nhưng không thể kéo dài mãi mãi. Bộ vi xử lí của nó chừng đó, bộ nhớ RAM chừng đó, ổ cứng có dung lượng chừng đó. Và nó cũng dừng lại ở chừng đó. Bạn không thể bắt một chiếc máy tính dùng Intel Celeron với 1GB RAM lại chạy hệ điều hành Windows 10 và chơi LOL trên đó. Vậy nên đôi khi bạn phải chấp nhận sử dụng những gì ổn định tốt nhất trước đó. Thay vì Windows 10 thì hãy dùng Windows XP. Thay vì chơi LOL thì hãy chơi Age Of Empire (Đế chế) 1.0 hoặc đua xe Road Rash cũng khá là thú vị. Cũng đừng mở hàng chục Tab Chrome mà để đó, chỉ mở 1 tab và chỉ dùng một tab đó thôi là quá đủ rồi.

Hãy hài lòng với những gì bạn đang có, sử dụng và phát huy nó sẽ là điều nên làm. Lên YouTube mà xem, nhiều người có máy quay, studio cả trăm triệu mà doanh thu chẳng bằng cậu bé học cấp 3 chỉ quay video bằng chiếc điện thoại. Đôi khi cuộc đời lắm trái ngang là như thế – mà cũng không phải là trái ngang gì lắm, cái gì bổ ích, thú vị thì con người ta mới quan tâm đến. Không đi miên man ở những nơi nào xa xôi, quay lại với chủ đề của bài viết, các bạn nhớ giữ gìn, trân trọng và nhớ vệ sinh chiếc máy tính thường xuyên, có như thế thì thời gian bạn phải mang nó ra tiệm để sửa còn xa lắm.

Bình luận