Chạy xe đường dài, bạn cần chú ý những điều sau

0
476
(Last Updated On: Th7 23, 2018)

Mình xin chào các bạn, có lẽ câu chào này quá quen rồi phải không nhỉ? Hôm nay mình mạo muội viết về chủ đề xe cộ, mà lại về vấn đề chia sẻ kinh nghiệm lái xe đường dài nữa, nếu có sai sót hoặc thiết sót gì thì mong các bạn bỏ qua và góp ý bằng cách comment ở dưới phần bình luận nhé.

Việc đi xe đường dài thì rất đơn giản, bạn chỉ việc chuẩn bị tiền, giấy tờ tùy thân, điện thoại và quần áo, tư trang cá nhân và sau đó lên xe ngồi hoặc nằm, mọi việc còn lại đã có tài xế và lơ xe lo rồi.

Tuy nhiên nếu bạn là tài xế thì sao? Trước tiên bạn cần chú ý đến chiếc xe bạn sắp sử dụng để thực hiện một hành trình dài. Đi từ ngoài vào trong, bạn cần quan sát 4 chiếc lốp bằng mắt thường xem có ăn đinh hay bị vết thủng lớn nào hay không, nếu có thể, thay lốp nếu cần, sau đó bơm đủ áp suất cho 4 chiếc lốp.

Bạn nên bơm lốp theo thông số nhà sản xuất đưa ra khi chở hàng, chở nhiều người trên xe hay là chỉ có 1 đến 2 người mà không chở thêm hàng hóa. Chú ý đừng bơm lốp quá căng sẽ gây mệt mỏi cho chính bạn vì xe sẽ rất rung và dòng, mới đầu sẽ làm tay bạn tê đi và khó chịu, lái thời gian dài sẽ gây mệt mỏi cho mọi người trên xe. Mình thường bơm lốp với:

  • Hai lốp trước: 2.4kg/cm2-235.3596kPa/34.13psi/2.353596 bar
  • Hai lốp sau: 2.5kg/cm2-245.1662kPa/35.56psi/2.4516625 bar

Đó là theo kinh nghiệm của riêng mình, còn tốt nhất thì theo thông số của nhà sản xuất đối với lốp theo xe từ khi mới mua, sau đó bạn thay loại lốp nào thì bơm theo khuyến nghị của nhà sản xuất, bạn cũng có thể thay đổi áp suất để phù hợp với điều kiện mặt đường cũng như chở thêm người trên xe, hàng hóa và sự thoải mái của chính bạn.

Bạn đừng quên chuẩn bị bơm lốp dự phòng dùng nguồn có sẵn trên xe nhé (nguồn 12V).

Sắm thêm một chiếc bơm lốp dự phòng sẽ giúp bạn an tâm hơn khi đi đường dài
vì mới đầu có thể bạn không cần dùng đến nó nhưng đến một lúc nào đó có chiếc
lốp nào đó của bạn bị thiếu hơi (như cán phải vật sắc nhọn làm xì hơi từ từ) bạn 
không cần phải lo lắng tìm đến một tiệm bơm xe nào đó vào lúc giữa đêm khuya.
Bạn cần chú ý tới tư thế ngồi để có thể lái xe được quãng đường dài đỡ mệt mỏi hơn và dù lái xe nhưng vẫn thư giãn như một hành khách.

Một điều nữa đó là về cung đường bạn sắp đi, bạn cần tham khảo xem tuyến đường nào dễ đi nhất có thể, đừng quan trọng khoảng cách bởi vì nếu đường ngắn mà xấu thì sẽ không tốt cho xe của bạn một chút nào, nhất là bạn không phải người bản địa để mà đề phòng các trường hợp như xe bị sự cố, lủng lốp giữa đường chẳng hạn. Hãy chọn con đường mà nhiều người đi lại, khi đó khi xảy ra chuyện gì bạn đều có thể dễ nhận được sự hỗ trợ hơn.

Bạn có thể sử dụng Google Maps để tìm đường, Google Maps mặc dù cho ra các tuyến đường rất chuẩn nhưng chúng có một nhược điểm đó là một vài trường hợp sẽ đưa bạn đến địa điểm mong muốn bằng con đường ngắn nhất, và như thế cũng đưa “tài xế” là chúng ta vài phen hoảng hốt khi đang bon bon trên đường đẹp bỗng quẹo vào một con hẻm hay con đường nhỏ hơn làm chúng ta một chút “hoang mang”. Bạn cũng có thể tham khảo một số bác tài xế hoặc mấy anh xe ôm dọc đường (tuy nhiên đừng hoàn toàn tin tất cả những lời chỉ đường vì một số người có thể troll chúng ta, mình đã từng gặp phải trường hợp này vì gặp mấy cậu “trẩu tre” muốn đùa cho vui một chút).

Đi đâu thì đi, đến nơi cũng phải có chỗ để nghỉ ngơi và đậu xe chứ. Bạn có thể đặt phòng khách sạn trước để yên tâm có nơi để đến ngả lưng sau chặng đường dài mệt mỏi. Không nhất thiết phải có bãi đậu xe, bạn cứ tới khách sạn hay nhà nghỉ ở nơi nào đó, thoáng mát sạch sẽ là được. Việc đỗ xe ở đâu bạn có thể hỏi nhân viên lễ tân hoặc tự bạn kiếm chỗ đỗ sau khi đã uống một ly nước mát và ngồi nghỉ một chút sau khi đến nơi.

Việc đi xe vào ban ngày thì có lẽ hầu hết mọi người đều có thể hoàn thành quãng đường dài mà không quá mệt mỏi. Tuy nhiên chạy xe vào ban đêm là hoàn toàn khác, có thể ban đầu bạn sẽ rất thoải mái vì xe cộ lưu thông ít đi, đường vắng và ánh đèn pha của bạn cũng đủ cho bạn làm chủ được con đường phía trước, nhưng nếu là quãng đường thật sự xa, có thể những cơn buồn ngủ ập đến sẽ gây nguy hiểm, chú ý mỗi khi buồn ngủ hãy tấp xe vào lề (lề đường phải rộng và bạn đỗ xe không ảnh hưởng đến những xe khác), chợp mắt khoảng 5 đến 10 phút, có thể ngủ thêm một chút nếu bạn vẫn buồn ngủ, nhớ đóng kỹ các cánh cửa và nổ máy, hé một chút kính xuống để bạn có thêm sự lưu thông không khí từ bên ngoài và đừng quên lấy gió bên ngoài ở điều hòa. Ở đây tại sao mình nói các bạn chỉ hé kính? Bởi nếu bạn kéo kính xuống quá nhiều có thể sẽ mang nguy hiểm đến cho bạn và những người ngồi trên xe vì có thể sẽ có những đối tượng nhận thấy bạn đỗ xe lâu bên đường và ai trên xe cũng ngủ, có thể chúng sẽ xịt thuốc mê vào xe, hay là vứt cái gì đó vào xe,… bla bla rất là nhiều trường hợp khác nữa…

Nhớ rằng, nếu buồn ngủ, hãy tấp xe vào lề và chợp mắt vài phút, đóng kính cửa, lấy gió ngoài, hé kính xuống một chút, nổ máy nếu cần.

Đối với số sàn: Về Mo (số N) kéo phanh tay hết cỡ để đảm bảo xe không trôi khi bạn ngủ hoặc đánh lái nhẹ sang phải để lỡ xe có di chuyển thì cũng lao vào lề chứ không lao ra giữa đường hay phía tay trái.

Đối với số tự động: Về P (số đỗ) kéo phanh tay. Nhỡ có bị đâm đít thì cũng chịu vì an toàn là trên hết, tiếc gì hộp số mà hy sinh sự an toàn.

Ngủ thoải mái rồi, kéo kính xuống một chút để hít thở gió trời, bạn hãy tiếp tục hành trình của mình, đừng đi nhanh để mau đến nơi rồi ngủ, mà hãy ngủ bất cứ khi nào bạn buồn ngủ (nhớ tấp xe vào chỗ nào đó an toàn, không gây ảnh hưởng đến những xe khác, đừng ngủ giữa đồi núi, đường dốc hay đường đèo nhé).

Chúc các bạn lái xe an toàn, phía sau tay lái là cuộc sống, chậm mà chắc, từ từ mà đi được xa.

Bình luận