Bật chế độ hòa lưới biến tần năng lượng mặt trời, có bớt tiền điện không?

0
55
(Last Updated On: Th8 9, 2023)

Chào các bạn, chắc hẳn nhà các bạn có lắp hệ thống năng lượng mặt trời. Và có bao giờ bạn tự hỏi rằng nếu bên điện lực không mua điện (lắp công tơ hai chiều và có hợp đồng mua bán điện với đơn vị điện lực tại địa phương), thì các bạn bật chế độ hòa lưới biến tần nhà mình lên thì có tiết kiệm được tiền điện hàng tháng không?

Trước tiên mình xin kể với các bạn với trường hợp của mình. Đó là mình sử dụng hệ năng lượng mặt trời với 6 tấm PIN của Canadian Solar 450W và một biến tần Hybrid của Voltronic (cụ thể ở đây đó là Inverter Infinisolar VII 3KW). Đối với biến tần này thì có 1 cổng Input (nối với lưới điện và Output – nối ra tải trong nhà), thời gian trước khi mình còn sử dụng Ăc quy thì mình đấu với tải trong nhà qua cổng Output luôn. Và mỗi khi đến chiều tối thì biến tần này sẽ tiến hành lấy năng lượng lưu trữ của Ăc quy vào ban ngày để sử dụng vào ban đêm (dĩ nhiên là chỉ được vài tiếng là hết, sau đó biến tần bù điện lưới vào sử dụng và chuyển sang chế độ Bypass). Với mô hình đấu nối thế này thì trung bình mỗi ngày nhà mình tiết kiệm được tầm 6~8 số điện. Và với mô hình này thì điện mặt trời sẽ được ưu tiên dùng cho tải, sau đó mới đến sạc ăc quy và trường hợp thiếu thì sẽ bù điện lưới vào.

Nhưng năm vừa qua (2023) thì hệ thống lưu trữ ăc quy của mình cũng đến ngày ra đi cho nên mình không thể dùng chúng tiếp tục nữa. Và thế là mình gặp 1 sự cố nho nhỏ đó là cứ vào chiều tối và sáng sớm thì biến tần cứ reset lại vài lần, và theo thông tin mình tìm hiểu đó là do mặc dù biến tần này có thể hoạt động không cần Ăc quy, chỉ cần có năng lượng ánh sáng mặt trời là nó sẽ hoạt động, thiếu thì sẽ bù điện lưới vào, nhưng những thời điểm chuyển giao khi ánh nắng mặt trời mới chớm vào buổi sáng và vào chiều tối khi hết ánh nắng thì biến tần sẽ reset vài lần và đó không phải là lỗi. Trường hợp tải ra thấp (cổng Output tải thấp hoặc không gánh tải) thì biến tần không phải khởi động lại.

Và điều này đôi khi cũng gây khó chịu cho mình cũng như có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của các thiết bị điện trong nhà cho nên mình quyết định đấu nối tải không qua cổng Output mà Input luôn (cổng lấy lưới cũng là cổng hòa lưới). Nói về mô hình lắp đặt thì cũng có khá nhiều cách, mà vấn đề này thì chắc các bạn cũng biết nên mình không nói thêm ở đây nhé.

Các bạn học điện thì cũng biết để có thể hai nguồn điện xoay chiều có thể hòa với nhau thì chúng cần có cùng điện áp, cùng pha và cùng tần số, cho nên dù không bán được điện cho điện lực nhưng mình vẫn quyết định chế độ hòa lưới cho biến tần này luôn. Và kết quả đó là biến tần sẽ phát ra 1 điện thế cao hơn tầm 5V~8V so với điện lưới.

Mình đo điện lưới có mức điện áp là: 230V, và khi biến tần hoạt động, bật chế độ Hybrid thì điện áp đo được trong mạng điện của nhà mình là 235V, có khi là 238V. Và chỗ mình còn dùng công tơ điện cơ khí, cho nên nên nếu tải thấp hoặc tải ít hơn công suất xuống của PV xuống thì đồng hồ đứng im không chạy nữa (nó không quay ngược vì cơ cấu của đồng hồ này có cá chống quay ngược rồi, chỉ quay ngược tầm 1 phần tư vòng và đứng yên do đó mình nghĩ không ảnh hưởng gì đến hoạt động của đồng hồ).

Trong hình các bạn có thể thấy PV Input được 1635W, mình tắt cổng Output nên không mang tải.

Và kết quả thực tế dựa trên đồng hồ của điện lực và đồng hồ mình gắn để đo lượng điện sử dụng thực tế thì có chênh lệnh từ 5~7kw/ngày.

Nói về điện thì khó hình dung chứ các bạn hãy tưởng tượng giống như điện lưới và một con sông và điện mặt trời bây giờ là 1 bể chứa từ trên cao (mực nước cao hơn sông vì điện áp từ biến tần cao hơn lưới 1 chút), do đó thì nước từ bể chứa vẫn sẽ chảy vào nhà và khi lưu lượng nước vượt nhu cầu thì nó lại chảy ra sông, tương tự khi hòa lưới.

Như vậy thì vẫn tiết kiệm điện sử dụng nhé các bạn.

Các số liệu và hình ảnh mình sẽ cung cấp cụ thể sau. Hy vọng mình chia sẻ chút thông tin này sẽ có ích cho một số bạn.

Bình luận