Biến máy tính của bạn thành thiết bị lưu trữ NAS với FreeNas

0
3229
(Last Updated On: Th9 17, 2018)

Chào tất cả các bạn, NAS (Network-attached storage) là thiết bị lưu trữ gắn mạng. Tất cả những gì bạn cần làm đó là gắn một chiếc ổ cứng vào thiết bị NAS, sau đó cắm dây mạng LAN vào thiết bị, thiết lập trong vòng cỡ 30 phút thế là bạn đã có một hệ thống lưu trữ – một ổ cứng mạng có thể sử dụng dễ dàng và phục vụ cho nhiều ứng dụng. Tất nhiên sẽ không có gì đáng nói nếu như bạn đã có một thiết bị NAS có sẵn, tuy nhiên đối với những bạn nào có kinh phí hạn hẹp, hoặc bạn đang có những máy tính không dùng tới, có thể tận dụng chúng trở thành một thiết bị lưu trữ NAS khá hiệu quả và đặc biệt là có được sự hỗ trợ từ cộng đồng sử dụng mã nguồn mở cũng như khả năng tùy biến cao hơn so với những thiết bị NAS sử dụng phần mềm riêng biệt.  

Ở đây mình sẽ nói đến FreeNAS. Máy tính bạn dùng hệ điều hành Windows, điện thoại iPhone dùng iOS hay Samsung dùng hệ điều hành Android thì tương tự như vậy bây giờ chúng ta sẽ cài đặt FreeNAS – một hệ điều hành chuyên dụng  dành cho các thiết bị lưu trữ. Sử dụng nền tảng FreeBSD và hệ thống file OpenZFS.

Tên như thế nào thì cũng nói lên tất cả như vậy. FreeNAS hoàn toàn miễn phí và công việc của bạn chỉ là tải về và cài đặt thôi. Bạn có thể tải file cài đặt ISO tại đây.

Các bước tiến hành bạn có thể theo dõi các hình dưới đây:

Tới đây là phần cài đặt FreeNas lên hệ thống thành công! Bây giờ mình có thể truy cập vào địa chỉ Web Interface thông qua trình duyệt web để điều khiển.

Đây chính là giao diện của FreeNas UI (bạn cũng có thể sử dụng phiên bản Legacy nếu không quen – cá nhân mình thích dùng Legacy hơn vì dễ dùng).

Bước đầu tiên đó là phải thiết lập IP tĩnh cho hệ thống FreeNAS để tiện quản lý, truy cập vào Network –> Interfaces:

Mình thiết lập IP tĩnh nội bộ là 192.168.2.77. Lớp mạng 24 (255.255.255.0) phổ biến.

Nhớ kéo xuống và Save lại cấu hình nhé các bạn. Bây giờ bạn có thể khởi động lại hệ thống FreeNAS, sau đó truy cập vào IP tĩnh mà chúng ta đã thiết lập trước đó là 192.168.2.77.

Đăng nhập bình thường nhé các bạn, ở bên dưới nút Sign In trong form đăng nhập có tùy chọn Legacy UI để các bạn có thể lựa chọn giao diện cũ (dễ sử dụng hơn).

Trong FreeNAS với hệ thống quản lý tập tin ZFS, chúng ta có Datasets (các tập dữ liệu), Volume thông thường và Zvol (1 khối Raw Block – có thể sử dụng như một thiết bị lưu trữ iSCSI). Tuy nhiên ở nhu cầu sử dụng thông thường, các bạn hãy chỉ cần biết tới Volume thôi là được rồi. Bây giờ chúng ta tiến hành tạo một Volume để sử dụng nào (Ổ đĩa mạng để các thiết bị khác có thể truy cập vào, lưu trữ dữ liệu ở đây).

Trước tiên gắn thêm ổ cứng vào hệ thống nhé. Mình khuyên các bạn cài đặt FreeNAS trên ổ cứng SSD – chỉ cần 64GB là dư sức rồi. Các ổ lưu trữ thì gắn HDD 1, 2, 4, 8TB sao cũng được.

Như hình bên trên có lẽ bạn sẽ thấy mình có gắn hai ổ cứng.

Tiếp theo tạo một Volume mới, các bạn vào Storage –> Volumes –> Volume Manager:

Kéo thanh trượt để lựa chọn dung lượng mà bạn cấp cho Volume.

Đừng quên nhấn Add Volume nhé.

Tiếp sau đó bạn có thể chia sẻ với các hệ thống phù hợp như máy MAC, Linux hay Windows, ở hình bên dưới mình tạo một chia sẻ NFS (Linux/Unix):

Tiếp đến thử truy cập thông qua Windows (tượng trưng thôi nhé các bạn):

Vào Run –> Gõ //IP-FreeNAS sau đó nhấn Enter.

Vậy là máy tính của mình đã “nhìn” thấy ổ đĩa của hệ thống FreeNAS (nhìn thấy là một chuyện, truy cập được hay không lại là chuyện khác nhé, vì ở trên mình tạo chia sẻ NFS dành cho hệ thống Linux chứ không phải cho Windows). Ở Windows người ta thường dùng SMB (Server Message Block), tuy nhiên do nạn Virus WannaCry hoành hành cho nên bác Microsoft nhà ta đã tắt nó đi nên bạn cần phải bật nó bằng tay. Cái này bạn có thể tìm hiểu thêm sau nhé. Nếu không dùng SMB, bạn cũng có thể dùng NFS Client cho Windows cũng được.

Bây giờ chúng ta tạo một iSCSI Target trên hệ thống FreeNAS. Lợi thế của iSCSI đó là cách thức hoạt động như một hệ thống SAN (Storage Area Networking). Nhưng chi phí rẻ hơn nhiều vì tận dụng hạ tầng mạng sẵn có. Nếu bạn chia sẻ qua NFS, nhiều máy khách sẽ có thể truy cập, nhưng iSCSI hỗ trợ cho một máy khách duy nhất và máy khách xem nó như là một ổ cứng thật sự. Điều này phù hợp cho những bạn muốn mở rộng dung lượng lưu trữ cho máy tính cá nhân của riêng bạn mà tận dụng một hệ thống NAS.

Chúng ta bắt đầu tiến hành, Chọn Menu Block (iSCSI), Trong tab Portals nhấn chọn Add Portal:

Thêm cổng kết nối iSCSI. Đối với bạn nào không dùng trong mạng nội bộ, cần mở Port Modem cổng 3260.

Tiếp tục thêm một iSCSI Target (hiểu như là một máy chủ lưu trữ, ổ cứng lưu trữ đi các bạn ạ) chọn Target –> Add Target:

Đặt tên cho iSCSI Target. Hì hì hình ở trên mình đặt tên có khoảng trống và có ký tự Hoa nên xuống dưới mình đã đặt lại:

Các bạn hãy đặt tên giống như đặt tên cho tên miền nhé. Không có ký tự đặc biệt và khoảng trống nhé. Nhớ chọn ID trong mục Portal Group ID.

Đã tạo xong “vngeektarget“. Bây giờ chúng ta sẽ tạo Extend (Ví như Target là một máy chủ lưu trữ thì Extend là ổ cứng lưu trữ, bạn có thể cấu hình dung lượng của Extend), để thêm một Extend, chọn Tab Extend –> Add Extend:

Chú ý mục Path to the extend, các bạn nhớ thêm một thư mục con nữa (như một viên gạch lưu trữ), như trong hình mình thêm đường dẫn thư mục VnGeekExtend.

Như vậy chúng ta đã tạo thành công Extend.

Các bạn đừng quên liên kết Extend vừa tạo với Target nhé (hình trên), sau khi nhấn OK chúng ta có được kết quả như hình bên dưới.

Đã liên kết thành công Extend với Target, hiểu nôm na rằng chúng ta đã gắn ổ cứng (ở đây là Extend) vào máy chủ (ở đây là Target). Còn Portal như ở bước đầu như là mở Port và nối mạng vậy.

Tiếp tục bây giờ chúng ta sẽ kết nối đến iSCSI Target, Windows có sẵn iSCSI Initiator cho chúng ta kết nối mà chẳng cần phải sử dụng thêm một phần mềm nào cả (dĩ nhiên là như vậy).

Trường hợp sau khi bấm Quick Connect mà có lỗi, bạn chỉ cần bật dịch vụ iSCSI lên:

Như vậy là đã kết nối thành công!

Bạn qua Tab Volumes and Devices chọn Auto Configure để chúng tự thiết đặt cấu hình.

Vào Disk Management, bạn sẽ thấy một yêu cầu thiết lập ổ đĩa mới (ở đây Windows xem như một ổ cứng thật sự).

Các hình dưới đây theo thứ tự bạn tạo một Volume mới trong Windows từ phân vùng chúng ta mới có:

Bạn có thấy ổ đĩa VnGeek iSCSi FreeNas (F:) không?

Giờ thì bạn cũng có thể cài đặt Game lên ổ cứng iSCSI này rồi đấy!

Dừng lại đây hy vọng các bạn đã có chút thông tin về FreeNAS cũng như cách thiết lập ổ cứng lưu trữ từ xa qua mạng là thế nào rồi. Mình nghĩ sẽ giúp ích cho các bạn một chút vì còn nhiều cái thú vị với cái FreeNAS này lắm, vừa miễn phí mà lại nhiều chức năng nữa, hãy tận dụng máy tính cũ của bạn để làm một ổ cứng mạng, phục vụ nhu cầu lưu trữ cho Camera IP, làm nơi lưu trữ hình ảnh, Video gia đình hay để sao lưu các dữ liệu quan trọng chẳng hạn, quá hữu ích phải không các bạn?

Chúc các bạn thành công!

Bình luận