Chào các bạn. Mình còn nhớ rất lâu rồi từ lúc mình còn học lớp 8, 9 gì đó. Tính mình thì rất hay thích mày mò, cái gì cũng muốn mổ xẻ, tháo tung ra để tìm hiểu xem bên trong có gì và chúng hoạt động như thế nào.
Cũng chính vì thế nên lúc đấy mình có cái máy tính (chị mình đi học xong ra trường để lại), mình quý nó lắm, ngày nào cũng lấy khăn lau màn hình, bàn phím rồi cả con chuột bi (mở ra lau cái hòn bi cao su).
Rồi mình lại ngồi nghĩ ngợi: Chắc có lẽ phải mở cái thùng máy ra xem bên trong có gì mà có thể chạy được Windows 98 rồi mấy trò chơi Game như Road Rash, Virtual Cop 2, còn có thể kết nối được chiếc máy ảnh Cybershot nữa,…
Và mình quyết định mở thùng máy ra (xin lỗi các bạn vì chiếc máy tính này không còn vì đã hơn chục năm rồi nên mình không thể chụp hình minh họa cho các bạn được), và lần lượt gỡ RAM, Card màn hình, rồi cả cái tản nhiệt cho CPU (Heat Sink) – sau đó một thời gian mình mới được cái nào là RAM, cái nào là Card màn hình các bạn ạ.
Và cái khiến mình tò mò nhất đó chính là cái Heat Sink với quạt tản nhiệt gắn phía trên.
Mở ra hầu hết các linh kiện trong máy, mình tiến hành vệ sinh cho sạch sẽ, xong rồi lắp đâu vào đấy (cũng may mắn là mình không phá hỏng chiếc máy tính). Và mình sờ vào cục tản nhiệt nhôm của CPU (Heat Sink), mình thấy nó ấm ấm,…
Quên kể với các bạn đó là hồi đó mình đã tập tành OC (Over Clock) rồi đó. Mình thỉnh thoảng chỉnh xung nhịp lên cao một chút (chỉnh CPU Clock trong Bios cao lên để đạt được mức xung nhịp cao hơn – và mình kiểm tra sau đó bởi CPUZ). Mình nhận thấy rằng nếu mình chỉnh cao đến một mức nào đó thì chiếc máy thường xuyên bị đơ hơn và thỉnh thoảng bị khởi động lại (có thể mình chỉnh mức xung nhịp cao quá, CPU không chịu nổi hoặc là tản nhiệt không kịp) và nóng hơn rất nhiều (sờ vào thấy rất nóng).
Ấy là mình nghĩ ngay tới việc phải tản nhiệt bằng nước. Và mình cũng xin chia sẻ với các bạn rằng, việc mua một bộ tản nhiệt nước cho CPU bây giờ thực sự là một điều phí phạm (mình đã lên thành phố, hỏi tiệm máy tính lớn nhất bấy giờ và họ có những loại giá 2->3 triệu đồng), tất nhiên là mình không mua vì chẳng có tiền và nếu có mua thì nó bằng nửa giá toàn bộ dàn máy tính nhà mình mất rồi.
Mình quyết định chế một bộ tản nhiệt nước.
Tuy nhiên mình nghĩ lại nếu cứ xả đi luôn lượng nước tản nhiệt thì thật phí phạm, và đôi khi nếu mình ngồi một thời gian dài, sẽ tiêu tốn một lượng nước lớn. Chính vì thế mình đã quyết định sử dụng một chiếc bơm, đó chính là bơm oxi – lọc nước cho bể cá.
Và tất cả những gì mình cần đó là:
- 1 xô nước để đựng nước dùng cho việc tản nhiệt (nước sau khi hấp thụ nhiệt lượng thoát ra từ CPU sẽ tăng nhiệt độ và tiếp tục nguội đi vì truyền nhiệt sang môi trường xung quanh)
- 1 cái bơm bể cá (tạo áp suất nước chảy vào Heat Sink rồi quay lại xô nước
- 2 cái van bơm xe đạp (mình ra tiệm sửa xe đạp gần nhà mua để gắn ống xi phông).
Đối với chiếc Van xe đạp, bạn cần cắt ngang qua đường màu đỏ mà mình đã minh họa như hình bên dưới, mục đích là nước có thể đi qua dễ dàng hơn.
Tiếp theo đối với Heat Sink thì bạn cần bịt kín các cạnh lại để nước có thể chảy qua mà không làm ảnh hưởng đến bo mạch:
Như vậy mô hình cuối cùng mà chúng ta có:
Thật ra như tiêu đề bài viết, bạn cũng có thể dùng cả bồn nước để làm tản nhiệt, một ống nước kiểu PVC với kích cỡ phi 21–>27 thì bạn không cần dùng máy bơm. Nước nóng sẽ tự truyền nhiệt cho nước lạnh (bạn để đầu ống hướng lên trên hoặc có độ dốc so với mặt đất là nước tự di chuyển như nguyên lý hoạt động của bồn nước nóng năng lượng mặt trời vậy).
Ý tưởng này không tồi chứ các bạn?
Thật tiếc vì hồi đó mình đã không chụp hình lại. Nhưng hoạt động khá tốt, đặc biệt là mình đã có thể cấu hình ở mức ép xung cao hơn mà hệ thống vẫn hoạt động trơn tru. Lúc ấy có thể chơi tốt Game đột kích ở FPS 30. Không hề xảy ra hiện tượng thắt cổ chai mặc dù mình chỉ dùng một CPU Celeron thời bấy giờ.
Ghi chú: Sau khi hoạt động tầm 1 giờ đồng hồ, nhiệt độ xô nước (tầm 30 lít) nóng lên đáng kể, mình đo bằng nhiệt kế y tế và được báo là 47°C. Mình đã thay bằng thau nước mới thế là mọi thứ lại ổn. (Lười không thay nước cũng chẳng sao các bạn ạ vì nước tự truyền nhiệt sang môi trường xung quanh và không nóng thêm nữa).
Cảm ơn các bạn đã bỏ thời gian đọc bài viết siêu “rảnh” này.