Có thể có một số bạn thắc mắc là tại sao máy tính các bạn ở nhà ổ cứng 1TB. Chip thì Intel nào là I3, I5, I7 có cả mà sao chơi Game, các tác vụ có vẻ không mượt bằng quán nét. Mặc dù ở nhà dùng Card đồ họa GTX 1050, ngoài nét chỉ là GT 1030?
Thật ra thì đó cũng chỉ là tương đối thôi các bạn ạ, nhưng số đông thì bao giờ cũng có lợi thế hơn so với số ít. Ý mình nói ở đây đó là bởi vì hầu như hệ thống máy tính ở Net phục vụ hiện nay đều có lợi thế hơn khá nhiều so với các hệ thống máy để bàn ở nhà mà người dùng đã mua khá lâu trước đây cộng với hầu hết nhu cầu sắm máy tính chỉ là làm việc như in ấn, tác vụ văn phòng, xem phim,… khác với nhu cầu ở quán nét rộng hơn đó là vừa giải trí, vừa học tập (số ít) và vừa chơi Game (số nhiều).
Ở đây khác biệt đó chính là sự kết hợp. Một hệ thống muốn hoạt động mượt mà thì cần có các phần cứng phù hợp và tương thích với nhau. Để tránh xảy ra tình trạng thông thường như nghẽn cổ chai, I/O thấp, RAM không đủ dùng,…
Ví dụ như đầu tư cho một Vi xử lý CPU i5-8400, Card đồ họa GTX-1050, nhưng chỉ mua thanh RAM có 4GB thì bạn xác định là chơi một trò chơi vẫn sẽ bị giật chẳng hạn như GTA V (bị lỗi nghẽn cổ chai ngay). Thay vì đó bạn nâng cấp lên một thanh RAM 8GB hoặc làm luôn 2 thanh 8GB –> 16GB RAM thì còn gì tuyệt vời hơn.
Một người cần chạy nhiều chương trình cùng lúc, yêu cầu xử lý đồ họa cao thì khi đó không những yêu cầu cần vi xử lý có nhiều nhân, Card đồ họa mạnh (và chuyên cho công việc thiết kế đồ họa như NVidia Quadro chẳng hạn, mà xử lý nhiều tác vụ cùng nhiều chương trình thì đương nhiên yêu cầu nhiều RAM, muốn tăng xử lý đọc, ghi trên ổ cứng thì lại cần thiết có một ổ SSD…
Chính vì thế nhu cầu khá là đa dạng các bạn ạ. Điểm mạnh đối với máy tính ở quán nét đó là trung hòa được hầu hết các nhu cầu cơ bản theo số đông người dùng. Chính vì thế nên Vi xử lý, Card màn hình cũng như RAM, Main đều được các ITer tham mưu, tư vấn nhiệt tình và tính toán kỹ lưỡng hơn. Phù hợp với ngân sách của chủ quán cũng như mang lại kết quả tốt hơn so với bộ máy ở nhà chỉ có nhiệm vụ cơ bản như đánh văn bản hay lướt Web (mình xin không đề cập tới mấy bạn Gamer hay Designer nhé, bởi máy tính của mấy nhóm người này thì không bàn cãi rồi).
Ở trên đây mình chỉ điểm qua một số ví dụ theo từng trường hợp khác nhau mà yêu cầu một máy tính có cấu hình như thế nào. Còn theo trọng tâm bài viết, mình tiếp tục đi sâu vào hệ thống máy tính ở quán nét có gì mà khi dùng chúng ta có cảm giác chúng nhanh hơn máy tính ở nhà. Các bạn có thể biết rằng ngày nay hầu hết các quán nét sử dụng công nghệ Boot-rom. Theo mô hình máy chủ – máy trạm. Máy trạm (các client hay máy khách khi bạn ra quán nét dùng) không sử dụng ổ cứng. Các máy trạm khởi động thông qua ổ cứng từ máy chủ và kết nối thông qua mạng LAN nội bộ với sự hỗ trợ của Card mạng lên đến hàng Gigabits đến Swtich trung gian có cấu hình tương đương một máy tính thật sự trước khi đến máy chủ.
Chính vì thế nên ngay cả quá trình khởi động thì mô hình này có một ưu thế rất lớn so với máy tính cũ kỹ ở nhà bạn đang sử dụng một ổ cơ HDD ì ạch.
Mình xin giới thiệu các bạn một máy chủ Boot-rom với cấu hình tương đối như sau:
- Intel Xeon E5520 (Xeon là dòng vi xử lý chuyên dùng cho máy chủ, máy bộ hoạt động liên tục và bền bỉ, có độ tin cậy cao, và đặc biệt chúng có thể hoạt động với RAM ECC tự sửa lỗi).
- RAM ECC 16GB (Error-Correcting Code memory – RAM có khả năng tự kiểm tra và sửa lỗi, điều khiển dòng dữ liệu ghi và đọc, cho phép các tiến trình hoạt động ổn định hơn và cả hệ thống hoạt động trơn tru hơn mỗi khi có xung đột nào đó nếu một dữ liệu nào đó chép vào RAM bị lỗi).
- SSD 250GB x 2 ổ (Có thể cấu hình là 1 ổ chứa hệ điều hành, 1 ổ Cache cho HDD mở rộng).
- HDD 2TB (để chứa trò chơi, được Cache bởi 1 ổ SSD bên trên trong một số trường hợp).
- Card LAN rời hiệu suất cao (Card mạng mở rộng thông qua PCI, có kèm quạt tản nhiệt, hoạt động bền bỉ, tốc độ cao và ổn định, đây chính là con đường huyết mạch của các máy trạm kết nối đến máy chủ).
- Main xịn và bộ nguồn công suất ổn định, tin cậy.
Như vậy, chỉ cần đầu tư một máy chủ mạnh mẽ và ổn định, là đủ cho một dàn máy lên đến con số vài chục. Tiết kiệm tiền đầu tư vào ổ cứng cũng như dễ dàng quản lý từ xa (cập nhật phần mềm, trò chơi, đóng mở ứng dụng/chương trình trên máy khách, và đặc biệt hơn cả đó là khả năng kiểm soát cao hơn cho máy chủ đối với các máy trạm được kết nối).
Mình nhớ cái thời xa xưa khi còn học lớp 4, lớp 5 gì đấy, mỗi lần mà một Game nào đó cập nhật thì y như rằng cả chục máy cùng phải cập nhật theo, tốc độ mạng thì rùa bò, đôi khi ngồi chờ cả tiếng đồng hồ mới vào được trò chơi. Chưa kể hàng loạt các trò chơi hay chương trình khác mỗi khi có bản cập nhật mới, tất cả các máy đều phải được cập nhật, lúc này máy chủ chỉ đóng vai trò là kiểm soát thôi (ấy thế nên một số cậu chơi trò phá đóng băng ổ cứng rồi cài phần mềm gián điệp vào, hack nick yahoo, tài khoản game,… đủ kiểu nhớ lại thấy còn mắc cười).
Ngày nay chỉ cần 1 máy chủ cập nhật, thế là mấy cậu máy trạm cứ thế mà kết nối vào, chẳng phải lo lắng gì. Không còn cái thời ngồi Ghost từng máy như trước đây mỗi khi xảy ra sự cố gì.
Hi hi, lâu lâu chán rủ đám bạn ra quán làm trận đột kích ai thua trả tiền nét, hoặc một vài trận liên minh, vừa tăng thêm tình đoàn kết, vừa giải trí vui vẻ, còn gì bằng?
Biết đâu lại có cái “vẫy tay” từ Facebook thì còn hấp dẫn hơn nữa, phải không các bạn?