Xin chào các bạn, hôm nay mình xin bàn luận với các bạn một chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng đa phần rất nhiều người bị nhầm lẫn cũng như hiểu sai về tốc độ mạng Internet.
Lúc xưa khi mình vẫn còn là sinh viên học ở Sài Gòn, thật ra thì xung quanh có rất nhiều mạng wifi, xin thì họ cũng cho mật khẩu thôi nhưng mình muốn có luôn một đường truyền riêng, thỉnh thoảng tự mình reset Modem cho mạng nó “mướt” hoặc đề phòng trường hợp modem bật liên tục nóng nhiều khi nó treo hoặc đơ luôn và không vào mạng được (cái này bạn nào dùng mạng sẽ tự kiểm chứng, có khi rớt mạng do modem bị treo hoặc phục vụ một lúc quá nhiều người dùng rồi đến lúc bị văng). Thật ra mỗi một Router khi phát Wifi thì cũng chỉ có thể tạo giới hạn số lượng kết nối đến người dùng đồng thời để phục vụ chứ không phải cứ có bao nhiêu kết nối vào nó cũng có chịu được.
1. Quyết định đăng ký mạng riêng
Rồi thì sau một đêm dài chờ đợi mình quyết định gọi điện đến tổng đài FPT Telecom để bắt một mạng cáp quang về cái phòng mà mình đang thuê (nghĩ lại hồi đó cũng mạnh tay thật, sinh viên chẳng có tiền ăn, thế mà bắt hẳn một cái đường truyền cáp quang về phòng nó mới oách chứ). Bên đầu dây bên kia có người trực nghe máy thì mình nghe nói là em muốn bắt mạng với gói bao nhiêu “mê”? 8 “mê”, 10 “mê”, 15, 20 “mê” đều có. Ừ thì mình cũng có tham khảo trên Website của nhà mạng rồi nên đăng ký gói 8 “mê” thôi. Và mình được tư vấn thêm nào là sử dụng được cho bao nhiêu máy, xem phim, lướt web thoải mái, bla, bla… Nhưng mình cũng quyết định chọn gói 8 “mê” với giá tiền là 250.000 đồng mỗi tháng và được nhà mạng miễn phí lắp đặt cũng như trang bị cho cái Modem Wifi 4 cổng (4 cổng ở đây nói cho oách thôi chứ thật ra là 4 cổng LAN – 4 đầu ra cáp mạng RJ 45 thôi) còn có chức năng Wifi là phát được Wifi để dùng cho Laptop và di động ấy mà).
2. Hiểu lầm về tốc độ mạng
Hẳn ở đây các bạn cũng để ý mình có đặt dấu ngoặc kép vào từ “mê”. Thật ra cái này là cách đọc chưa cung cấp được đầy đủ thông tin. Vì đa số người dùng hiểu lầm rằng “mê” ở đây là megabyte (Mb). Nghe mấy gói 8 “mê”, 10 “mê” nhiều người lầm tưởng rằng tốc độ mạng lên tới hàng megabyte (Mb).
Nhưng các bạn cũng nên hiểu một điều, chúng ta hãy cùng định nghĩa lại tốc độ. Trên Wikipedia có định nghĩa về tốc độ:
Trong vật lý học, tốc độ là độ nhanh chậm của chuyển động, là độ lớn vô hướng của vận tốc.
Như vậy thứ nguyên của đại lượng vật lý này là khoảng cách/thời gian.
Vậy thì tốc độ này phải có thêm giá trị thời gian nữa. Việc nói tốc độ 8 “mê”, 10 “mê” vô tình đã thiếu đi đại lượng thời gian. Vậy là về cơ bản đã sai đi bản chất về tốc độ và ở đây là tốc độ đường truyền Internet mà chúng ta đang bàn luận đến.
Chi tiết hơn, sẽ có một số người nói rằng ừ tốc độ đó là 8 “mê” trên “giây” hoặc là 10 “mê” trên “giây”. Nghe đến đây các bạn thấy quả thật là quá nhanh đúng không? Ngay cả khi cắm cái USB vào để copy nhạc (mình đang nói tới cái Lap cùi bắp của mình trước đây thôi nhé và nó chỉ hỗ trợ USB 2.0) tốc độ thấy 10 MB/s là nhanh lắm rồi. Mạng 10 “mê” trên “giây” như vậy Download một bộ phim trên mạng về với dung lượng 2GB chỉ tầm 3 phút rưỡi là cùng.
Nhưng sau khi bạn lắp xong gói 8 “mê” của nhà mạng rồi. Download trên mạng về tại sao lẹt đẹt không vượt được quá 1MB/s? Đôi khi xem một video Full HD vẫn lác? Rồi kéo anh em về chơi giới thiệu tao vừa lắp cái gói cáp quang 8 “mê” tụi mày tha hồ download những gì cần. Thế nhưng rồi cậu tải nhạc nói tao thấy tốc độ chỉ tầm vài trăm kb/s thôi mày ạ. Cậu tải phim thì “tao cũng thế”. Nguyên do là ở đâu?
Mình xin giải đáp luôn, và các bạn có thể lấy cái hợp đồng ra mà xem lại cho kỹ. “Mê” ở đây là mbps. Và đầy đủ của nó phải là X Mbps/s. Với X là một giá trị số nào đó. X tương ứng với 8,10,12,15,20 mà nhà mạng đã cung cấp cho chúng ta.
Và 8 Mbps = 1 MB/s. Mbps là viết tắt của megabit per second. Có nghĩa là megabit trên giây. Và nó không phải là megabyte trên giây như mọi người nghĩ. Và những ai đã từng học tin học cơ bản cũng đều biết 1 Byte = 8 Bit.
Ôi thế là 10 “mê” hay 10 Mbps = 1,25 MB/s mà thôi.
Để biết được tốc độ mạng với đơn vị megabyte trên giây, bạn nhớ chia cho 8 với thông số được nhà mạng cung cấp nhé. Đừng lầm tưởng là megabyte trên giây (Mb/s).
3. Tốc độ mạng cần thiết để sử dụng một số dịch vụ
Cái thời mà kết nối vào mạng Internet bằng Dial-up qua đường dây điện thoại có sẵn thì chúng ta có một kết nối với tốc độ 54 kbps = 0.054 Mbps. Nhưng hồi đó chẳng ai phàn nàn gì cả, vào Yahoo để chat và tìm kiếm trên Google là quá đủ rồi. Lúc đấy làm gì có Youtube hay mấy trang Video hay Live Stream đủ kiểu như bây giờ.
Chưa nói đến cáp quang, mấy gói ADSL với tốc độ khoảng 5 Mbps (Download) còn Upload thường rất thấp theo mình là quá đủ dùng cho người dùng phổ thông, đủ để xem video Youtube, dư sức để lướt web và nhắn tin thoải mái cũng như chơi game rồi.
Đối với một game thủ, độ trễ (ping) từ máy con đến máy chủ game mới là điều quan trọng hơn so với tốc độ mạng, bởi lưu lượng game rất nhỏ so với stream hay xem Video.
Cho nên tiêu chí cuối cùng để đánh giá mình xin nói đến việc Stream hay xem Video:
Dưới đây mình tham khảo chỉ số GAT (lưu lượng trên ngưỡng) từ Google:
Ngăn GAT | Ngưỡng lưu lượng | Diễn giải |
---|---|---|
HD (Độ nét cao) | > 2,5 Mb/giây | Lưu lượng tối thiểu để duy trì quá trình phát video YouTube HD trung bình ở độ phân giải 720p |
SD (Độ nét chuẩn) | 0,7 đến 2,5 Mb/giây | Lưu lượng tối thiểu để duy trì quá trình phát video YouTube SD trung bình ở độ phân giải 360p |
LD (Độ nét thấp hơn) | < 0,7 Mb/giây | Lưu lượng quá thấp để duy trì quá trình phát video YouTube SD ở độ phân giải 360p |
Còn dưới đây là từ NetFlix – một dịch vụ truyền dữ liệu video theo yêu cầu trên toàn cầu thay vì người dùng mua một chiếc đĩa DVD thì họ sẽ được xem tập tin số của nội dung đã trả tiền:
1 Mb/s để xem trên màn hình máy tính xách tay. Có thể sử dụng Netflix với tốc độ 1 Mb/s, chất lượng sẽ được giảm nếu phát trên một màn hình lớn, giống như xem một bộ phim VHS cũ.
2 Mb/s để xem video độ nét tiêu chuẩn (480p) trên TV
4 Mb/s để xem video có độ phân giải cao (720p, 1080p)
5 Mb/s trở lên để có trải nghiệm âm thanh và video tốt nhất
15 Mb/s cho luồng 4K (nhưng ưu tiên 25Mb/s). Cũng nên dùng TV 4K Ultra với bộ giải mã HEVC
Ghi chú: Cách viết 1Mb/s có nghĩa là 1 megabit trên giây. Các bạn đừng nhầm lẫn là 1 megabyte trên giây (1MB/s).
Còn đây là cách tính thủ công, ở đây mình tải một Video từ Youtube với chất lượng HD 1080p.
Video Lạc Trôi với dung lượng 80,1 MB độ dài là 4 phút 32 giây.
Ta chứ chia dung lượng của tập tin trên thời gian là sẽ có được băng thông cần thiết để xem Video này:
Đổi 4 phút 32 giây = 272 giây.
80,1/272=0.2945MB/s~2.359Mb/s.
Vậy tốc độ mạng tối thiểu là 2,4Mb/s để có thể xem Video này (như phần Overall bit rate là 2470 kb/s như hình ở trên). Nhưng để mượt mà chúng ta cần phải có tốc độ nhỉnh hơn tầm 3 đến 4Mb/s.
Để thoải mái vài người dùng thì các bạn cứ nhân lên tương ứng với số người sử dụng là tha hồ thôi.
Theo như mình thấy gia đình sử dụng gói mạng trên 10Mb/s hay 10Mbps hoặc gọi theo đa số là 10 “mê” là vô tư sử dụng rồi.
Chúc các bạn một ngày vui vẻ!