Cách cứu Pin Lipo sạc không vào, tụt áp, bị thông mạch…

0
1700
(Last Updated On: Th3 26, 2019)

Chào các bạn, Pin Lipo là Pin có dòng xả cao, dung lượng lớn và thường được dùng trên các thiết bị bay, xe địa hình và một số đồ chơi mô hình đòi hỏi nguồn năng lượng lớn trong một thời gian ngắn.

Khác với Pin Lithium-Ion – thường được sử dụng trên điện thoại, đồng hộ điện tử hay máy tính xách tay nhiều hơn, Pin Lipo (Lithium-Polymer) có dòng xả cao hơn rất nhiều, tức là trong thời gian ngắn, cường độ dòng điện mà Pin Lipo cung cấp lớn hơn nhiều so với Pin Lithium-Ion. Đối với những thiết bị bay, động cơ cần quay với tốc độ rất nhanh và đủ khỏe để chống lại sức cản không khí mà có thể nâng được trọng lượng của chúng và cả viên Pin đi kèm, chính vì thế nên dùng Pin Lithium-Ion thì dòng xả không đủ để cung cấp cho động cơ nên bắt buộc phải dùng Pin Lipo. Cho nên bạn sẽ thấy trên Pin Lipo ngoài thông tin dung lượng, hiệu điện thế của Pin thì còn có thêm dòng xả.

Dòng xả trên Pin Lipo được hiểu là khả năng cung cấp một dòng điện lớn ổn định từ Pin một cách an toàn. Thông số dòng xả liên quan đến dung lượng của PIN với một con số cụ thể. Ví dụ một cục Pin Li-Po có dung lượng 1800mAh, dòng xả 25C tức nó có khả năng cung cấp một dòng ổn định và liên tục ở mức:

1800 x 25 = 45000mAh = 45A

Như vậy nếu hiệu điện thế pin Li-Po với 2Cell là: 3.7×2 = 7.4V

Dòng cung cấp là 45A ==> Công suất Pin có thể cung cấp là: 7.4 x 45 = 333W

Phải công nhận là công suất rất mạnh đối với những thứ gọi là “cục PIN”.

À mình quên nói đến Cell PIN Li-Po. Một cục PIN Li-po mà chúng ta hay gọi có thể được ghép (song song hoặc nối tiếp) từ nhiều Cell Pin. Ngay cả khi có 1 Cell thì nó vẫn là cục Pin Li-Po. Bạn đã từng nghe về PIN Li-Po 2s, 3s rồi chứ? Đó chính là mắc nối tiếp số Cell Pin tương ứng để tạo nên cục Pin Li-Po mới có điện áp bằng tổng số các Cell cộng lại. 1 Cell Pin-Lipo có điện áp trung bình là 3.7V và 4.2V khi được xạc đầy, vì thế nên chúng ta có thể hiểu:

  • Pin Li-Po 1S (1Cell): 3.7V – 4.2V (đầy)
  • Pin Li-Po 2S (2Cell): 7.4V – 8.4V (đầy)
  • Pin Li-Po 3S (3Cell): 11.1V – 12.6V (đầy)
  • Pin Li-Po 4S (4Cell): 14.8V – 16.8V (đầy)

Và ngoài cách mắc nối tiếp, người ta vẫn mắc song song các Cell Pin Li-Po để giữ nguyên mức điện áp và tăng dòng xả:

  • Pin 1S2P: 2 cục Pin 1S được mắc song song
  • Pin 2S2P: 2 cục Pin 2S được mắc song song
  • Pin 3S3P: 3 cục Pin 3S được mắc song song

Chứ P kí hiệu tức là các Cell Pin tương ứng được mắc song song với nhau.

Thời gian sử dụng các thiết bị dùng PIN Li-Po sẽ không được lâu, bởi vì chúng phải xả dòng lớn liên tục mà dung lượng Pin thì có hạn. Chính vì thế nên bạn đừng mong rằng một chiếc Flycam phổ thông có thời gian tính bằng tiếng đồng hồ được.

Ví dụ như chiếc Mavic 2 Pro có Pin dung lượng 3850mAh và có thời lượng bay tầm 31 phút – và mình thấy đây là điều quá tuyệt vời, đủ để bạn quay một thước phim đủ dài cho việc nào đó. Chúng ta không thể so sánh tại sao Pin di động với dung lượng 1715mAh như trên iPhone 6S có thể dùng cả ngày mà sao bay máy bay có hơn 10 phút là hết Pin.

Tiếp theo như tiêu đề của bài viết, mình xin chia sẻ các bạn cách cứu Pin Li-Po bị các vấn đề như tụt áp (Đo Cell dưới 3.2Vol, sạc không vào điện), bị thông mạch (không đo điện áp được, máy báo thông mạch – tức là cục Pin giờ không khác gì sợi dây dẫn điện), hoặc không xuất hiện điện thế của Pin (Pin chết, đo Pin thì thấy xuất hiện điện trở).

Vì cục Pin có nhiều ưu điểm như gọn, nhẹ, dòng xả cao và dung lượng lớn thì bên cạnh đó có một nhược điểm đó là bạn cần phải biết cách sử dụng và bảo quản làm sao cho đúng cách. Chỉ cần bạn xả Pin quá mức, hay để Pin lâu không sử dụng mà không bảo quản đúng thì khả năng không sạc lại được khá cao. Sạc quá mức cũng tăng nguy cơ cháy nổ và tuổi thọ của Pin. Và Pin Li-Po lâu lâu cũng phồng lên giống như đang nổi giận vậy.

Bây giờ chúng ta có thể cứu Pin Li-Po. Trên VnGeek mình đã có bài viết về cách cứu Pin Li-Po bằng một cục sạc chuyên dụng B6: Sử dụng PIN Lipo dòng xả cao, nhớ bảo quản cho tốt: Thỉnh thoảng sạc và xả nếu để lâu.

Tuy nhiên nếu trong tay bạn không có cục sạc chuyên dụng, thì bạn cũng chỉ cần:

  • 1 đồng hồ đo điện đa năng (Để chúng ta đo điện áp của Cell Pin)
  • 1 nguồn 5V (cái này thì dễ, củ sạc điện thoại là đủ dùng, tuy nhiên tốt hơn là 5V – 0.5A đến 5V-1A là được rồi).

Trước tiên bạn cần mở cục Pin ra xem các mối hàn có gặp vấn đề gì không và chắc chắn rằng dây cổng ra Balance (cổng sạc) không bị đứt. Nếu tất cả đều ổn thì chúng ta sẽ làm các bước tiếp theo.

Cách mà mình đề cập đến đây đó là chúng ta sẽ kích Cell Pin khi chúng bị tụt áp (dưới 3.2V) khiến hầu hết các cục sạc Pin Li-Po không thể sạc lại. Hoặc khi bạn đo điện áp của Cell Pin thì chỉ = 0 hoặc xuất hiện điện trở.

Chúng ta sẽ kích Cell Pin Li-Po bị các vấn đề trên bằng cách cấp một nguồn sạc bắt buộc với dòng vừa phải (từ 0.1A –> 1A) với hiệu điện thế từ 4 –>6Vol.

Để biết được hiệu điện thế ngay tại lúc kích, bạn cứ nối hai đầu dây từ cục sạc đa năng đến nguồn kích và sau đó nối vào cổng Balance của PIN.

Mới đầu khi đo Cell Pin, mình chỉ đo thấy điện trở.

Mình có dùng một nguồn của chiếc điện thoại rất cũ của mình để kích PIN và có thông số 5.7V-800mA:

Tiếp theo mình nối dây nguồn từ cục sạc này trực tiếp vào các đầu đo của máy đo điện đa năng:

Tiếp đến mình tiến hành kích Cell Pin qua cổng Balance, mỗi lần kích chỉ tầm 5–>10 giây và mình thấy điện áp trên PIN đã tăng dần:

Điện thế trên PIN đã tăng lên 1.529V sau khi mình kích tầm 30 giây.

Tuy nhiên mình cần rút nguồn ra để chắc chắn rằng trên PIN đã có lại điện áp:

Như vậy PIN bây giờ đã có điện áp trở lại. Đây là một tín hiệu khả quan rồi.

Tất nhiên mình tiếp tục kích PIN bằng cách cắm lại nguồn sạc kích qua cổng Balance:

Mình tiếp tục kích như thế (cứ 5 giây một lần) và khi PIN đạt được điện áp 2.9V mình đã cho nó kết nối đến cục sạc Balance. Và cuối cùng thì em nó cũng chịu sạc cho cục PIN của mình:

Sạc tầm 30 phút thì mình kiểm tra lại điện áp của Cell Pin được kích:

Các bạn chú ý, sau khi cứu được PIN rồi thì sau đó nên sạc đầy và sử dụng thường xuyên một thời gian vì ngay sau đó PIN có thể tụt áp nhanh chóng. Nếu muốn bảo quản lâu, bạn có thể sạc ở chế độ Store Change hoặc xả PIN đến điện áp 3.85–>3.9V và lưu trữ PIN ở nơi khô ráo.

Nếu PIN bị phồng, bạn cứ dùng bình thường và sạc đầy rồi xả về khoảng 50% rồi lại sạc đầy (bạn đo bằng đồng hồ hiển thị từ 3.82–>3.91V là được), như vậy tầm cỡ chục lần là PIN hết phồng.

Chúc các bạn thành công.

Lưu ý: Kích bằng đường Balance của PIN nhé, và kích từng Cell riêng biệt. Không kích qua đường nguồn chung vì điện thế các Cell khi hỏng không giống nhau. Chỉ cần một cục sạc 5V – dòng 0.5–>1A là được. 5–>10 giây một lần kích rồi nghỉ vài giây, không nên kích liên tục với thời gian dài vì làm giảm tuổi thọ Cell PIN.

Bình luận