Bàn luận về chuyện có nên dùng miếng dán màn hình cho điện thoại, máy tính bảng?

0
891
(Last Updated On: Th6 17, 2018)

Từ trước đến nay khi mua điện thoại hay máy tính bảng, hẳn các bạn sẽ được các nhân viên tư vấn rằng có dán luôn màn hình hay không? Và miếng dán màn hình trở thành phụ kiện không thể thiếu luôn đi kèm khi mua các thiết bị điện tử có màn hình. Ngay cả Laptop hay các màn hình máy tính bàn cũng vậy. Nếu các bạn có lân la mấy quán nét đâu đó, để ý một chút các bạn sẽ thấy một số chủ quán cẩn thận dán miếng bảo vệ màn hình.

Việc làm này chắc chắn từ mục đích bảo vệ màn hình chứ không phải làm đẹp hay là “làm màu” gì cả. Mình nghĩ rằng trong chúng ta khi sở hữu một đồ dùng nào đó đều luôn hết sức giữ gìn cẩn thận và muốn nó trường tồn bền bỉ với thời gian. Và đối với màn hình các thiết bị điện tử cũng vậy, màn hình chính là nơi giao tiếp chủ yếu với người dùng chúng ta. Từ cử động chạm của các ngón tay, vuốt, gõ,… rồi trực tiếp tiếp xúc với quần áo, các vật dụng cá nhân khi chúng ta để gần, chưa kể tới việc vô tình làm rơi rớt thức ăn, chất lỏng, và tệ hơn là làm rớt chính những thiết bị này xuống đất.

Như vậy chẳng thể nào tránh khỏi việc màn hình của những thiết bị này bị tổn thương, trầy xước hoặc xấu hơn là nứt, vỡ. Chưa kể đối với những người dùng khó tính, chỉ với một vết xước nho nhỏ đã làm họ khó chịu và không còn mấy mặn mà với chiếc điện thoại, máy tính bảng mà họ đang sở hữu. Chính vì thế nên miếng dán bảo vệ màn hình là thứ cực kỳ quan trọng mà không thể thiếu. Nó đóng vai trò như là “kẻ thế mạng” cho những tấm màn hình yêu quý của chúng ta. Chẳng ai có thể chắc chắn rằng mình có thể bảo vệ và giữ gìn cẩn thận đến mức màn hình chẳng có một vết xước nào sau một thời gian sử dụng. Chỉ cần sơ ý nhét vào túi quần trong khi quần bạn đang có móc chìa khóa hay một vật dụng nào đó cũng có thể làm trầy, xước màn hình. Có thể mới đầu bạn không nhận ra, những theo thời gian sẽ thấy được. Giống như xước lông mèo trên những chiếc xe ô tô sau một thời gian được vệ sinh chùi rửa. Nguyên nhân đó chính là những bụi bẩn, đất cát khi mà chúng vẫn còn bám trên lớp sơn, dù người thợ có cẩn thận lắm thì một số nhỏ chúng bị bám vào, hành động cọ rửa với một chiếc khăn rất sạch vẫn gây nên những việc xước “lông mèo”.

Có miếng dán bảo vệ màn hình, thấy an tâm hơn rất nhiều. Nguồn: https://www.flickr.com/photos/yangsheng/

Khuyết điểm cua việc dán màn hình (hiện nay trên thị trường đa phần sử dụng miếng dán cường lực – thực tế thì chỉ có miếng dán đắt tiền và chính hãng thì mới có khả năng cường lực, phần còn lại chỉ chịu lực được rất nhỏ, tuy nhiên điểm mấu chốt đó là chống xước màn hình và đỡ dơ màn hình) đó là sẽ làm giảm độ nhạy cảm ứng, nhưng vẫn có thể chấp nhận được nếu bạn không phải là một người quá khó tính.

Đối với miếng dán cường lực, màn hình sẽ trông dày hơn, và như thế trông hơi thô một chút, nhưng bạn sẽ yên tâm hơn rất nhiều vì có nó chịu trận thay cho màn hình của bạn rồi.

Bất kể khi có sự cố nào xảy ra, bạn chỉ cần mua một miếng dán mới về tự dán là xong, việc dán miếng dán cũng rất đơn giản mà không hề khó khăn đến mức phải cần tới thợ đâu các bạn ạ, chỉ cần lên Youtube xem hướng dẫn thì mình tin rằng bạn sẽ có thể tự dán miếng bảo vệ màn hình cho điện thoại của mình trong vòng vài nốt nhạc mà thôi.

Ngày nay, kính cường lực Gorilla Glass của hãng Corning là phổ biến nhất vì được sử dụng trên hầu hết các thiết bị di động cũng như máy tính bảng và màn hình máy tính, tuy nhiên dù công nghệ có mới tới cỡ nào và theo những thông số được cung cấp bởi nhà sản xuất là chống nứt, vỡ và va đập rất tốt thì khả năng trầy xước hoàn toàn có thể xảy ra.

Các bạn đã từng đeo đồng hồ đeo tay hẳn đã thấy tấm kính bằng Sapphire (có thể là mặt kính tráng Sapphire để tăng độ cứng, giảm trầy xước và thêm sang trọng, những tấm kính nguyên khối theo đồng hồ thường trên dưới chục triệu đồng), mặc dù tuổi đời rất lâu nhưng các bạn có thể thấy nó rất bền bỉ và chống xước rất tốt. Nhưng khuyết điểm của nó cũng rất dễ vỡ nếu phải chịu lực đột ngột như rơi, rớt hoặc bị vật cứng đập vào. 

Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó cả, theo thời gian thì các hãng sản xuất màn hình họ luôn muốn nâng cấp vật liệu kính để vừa không giảm độ nhạy cảm ứng, cho màu sắc chân thực thì phải chịu lực tốt và chống trầy, xước tốt. Không phải cứ cứng là sẽ không dễ vỡ. Đối với dạng vật liệu như khoáng thạch thì càng cứng chúng sẽ càng dễ vỡ (bạn cứ tưởng tượng cái nồi làm bằng gang và sắt đi, đảm bảo nồi gang rớt đột ngột có khả năng vỡ chứ nồi sắt chỉ méo đi thôi).

Chúng ta bàn luận một chút ở trên đó là bởi vì, bất kể sử dụng mặt kính tốt thế nào thì chúng đều tiềm ẩn khả năng bị trầy xước hoặc bị vỡ. Do đó việc sử dụng thêm miếng dán để bảo vệ cũng không phải là ý tưởng tồi.

Có những bài viết trên mạng khuyên rằng không nên sử dụng miếng dán cường lực (ngày nay đa số sử dụng miếng dán cường lực – cứng chứ không dùng miếng dán mềm như hồi xưa), vì rất nhiều khuyết điểm. Tuy nhiên theo ý kiến cá nhân của mình thì những khuyết điểm đó không đáng mấy so với lợi ích mang lại là nó sẽ chịu trận để bảo vệ lớp màn hình đàng sau những thiết bị đáng giá. Dù sao cảm giác vẫn sẽ yên tâm hơn nhiều.

Tóm lại, cái gì cũng có hai mặt của nó, việc quyết định sử dụng hay không là do của bạn, bất cứ một lời khuyên nào cũng là để bạn tham khảo và suy ngẫm. Chúc các bạn không phải đi thay mặt kính màn hình.

P/s: Mình có chiếc Lumia 1520, bị vỡ kính màn hình, đem đi thay người ta bảo kính và màn hình liền nhau, nếu chỉ tách kính không cũng sẽ ảnh hưởng đến màn hình, nên mình đành để vậy xài luôn vì đang viêm màng túi.

Bình luận