Xin chào các bạn, hôm nay mình xin viết về chủ đề WordPress multi language. Cụm từ tiếng Anh mình nói đến cũng không chuẩn lắm nhưng các bạn có thể hiểu nôm na là dùng nhiều ngôn ngữ trên WordPress.
Việc sử dụng đa ngôn ngữ thường được sử dụng cho các trang Web của những công ty, tập đoàn đa quốc gia. Hay là những trang mạng xã hội dành cho hầu hết tất cả mọi người trên thế giới. Một số trang Web thì sử dụng đa ngôn ngữ vì họ muốn trông website của họ một phần tiếp cận được với nhiều người hơn và một phần giúp được nhiều người có khả năng tiếp cận hơn. Cách làm này bạn cũng biết rằng nó mang lại lợi ích rất to lớn. Y như rằng quảng cáo sản phẩm bằng tiếng Việt và quảng cáo bằng tiếng Thái Lan chẳng hạn. Một người Việt xem quảng cáo của Thái Lan, nếu không có Video hay hình ảnh minh họa thì thật chẳng thể nào hiểu nổi. Ngược lại, người Việt xem quảng cáo tiếng Việt thì ai mà chẳng hiểu được chứ?!
Và chính vì thế nên hôm nay mình xin mạo muội viết về vấn đề đa ngôn ngữ trên trang WordPress. Chắc chắn một điều rằng, một trang viết bằng ngôn ngữ bản địa sẽ dành được lượt đọc và tương tác nhiều hơn so với một trang viết bằng ngôn ngữ của nước khác.
Và một trang viết bằng một ngôn ngữ phổ biến bao giờ cũng sẽ có được nhiều độc giả hơn. Điều này là không phải bàn cãi. Như trang báo mạng VnExpress của chúng ta, mấy ai đọc phiên bản tiếng anh (VnExpress International) làm gì khi mà đã có ngôn ngữ tiếng Việt và hình ảnh sinh động đã có sẵn rồi chứ.
Có thể mình hơi nói miên man cho nên giờ mình xin vào thẳng vấn đề luôn?
Như tiêu đề của bài viết mà mình đặt ra ở bên trên.
Đó là thiết lập một trang đa ngôn ngữ, nhưng thiết lập với mô hình thế nào cho đúng và hiệu quả thì không phải ai cũng có thể làm được.
Việc dịch một trang web cũng có chia thành dịch tự động và dịch bằng tay.
Dịch bằng máy:
Dịch bằng máy ở đây như việc bản sử dụng Plugin GTranslate và khi người dùng truy cập đến trang của bạn, thì Plugin tự động dịch những chuỗi từ có trên trang của bạn sang ngôn ngữ mà người dùng muốn. Và điều này hoàn toàn được thực hiện tự động.
Dịch bán tự động có thể nói đến có Plugin Transposh, Ajax Translator Revolution. Thì những bạn nào từng sử dụng các Plugin trên cũng biết rằng các công cụ dịch sẽ dịch trước khi load trang đầy đủ và hiện thị ngôn ngữ mong muốn của người dùng như là trang này đã được dịch từ trước.
Dịch bằng tay:
Có hai cách chính mà các trang đa ngôn ngữ WordPress mà nhiều trang trên thế giới sử dụng đó là dùng Plugin để dịch nội dung trang, bài viết, chuyên mục, bài đăng tùy chỉnh (custom post type). Các Plugin, giao diện và rất nhiều trường khác nữa… chẳng hạn như chuỗi ký tự nào đó. Có nghĩa là dịch bất cứ thành phần nào là chữ và số trong WordPress, ở đây mình nói có thể không đúng bản chất lắm nhưng mong rằng các bạn có thể hiểu được mình đang nói gì.
Và những Plugin thực hiện rất tốt công việc này có thể kể đến là WPML, Polylang, qTranslateX.
Và cách thứ hai đó là dùng Multisite. Sử dụng nhiều site thay vì một site đơn. Và mỗi site con có thể đại điện một ngôn ngữ khác nhau như Pháp, Anh, Mỹ, Nhật, Việt Nam,… Mỗi trang này đều hoạt động độc lập, thông tin cơ sở dữ liệu của người dùng được đồng bộ trên Multisite và người quản trị chỉ việc thêm đường dẫn đến trang mới thông qua Menu của mỗi trang để người đọc dễ điều hướng kiểu như trang tiếng Việt thì :https://vi.vngeek.com, trang tiếng Anh thì https://en.vngeek.com hoặc tiếng Pháp thì có đường dẫn: https://fr.vngeek.com.
Mới gần đây trên thư viện Plugin WordPress có một Plugin rất hay đó chính là Multilingual Press.
Plugin này giống như một bộ não trung tâm điều hành những trang “chi nhánh” với những ngôn ngữ khác nhau. Với khả năng kết nối không giới hạn những trang web “thành viên”. Plugin này giúp ích rất nhiều cho những bạn nào trước đó đã chọn con đường đa ngôn ngữ với WordPress Multisite. Và với những tính năng độc đáo của nó, minh nghĩ là các bạn nên trải nghiệm sẽ rất thú vị.
Với tính năng cần thiết nhất đó là dịch ngay nội dung bài viết từ bản gốc sang nhiều trang ngôn ngữ mong muốn mà không phải chuyển qua chuyển lại mất thời gian và nguy cơ nhầm lẫn xảy ra. Các bạn hãy tưởng tượng việc mở một lúc vài chục Tab Chrome một lúc để làm việc thì có mang lại hiểu quả hơn một người chỉ mở một vài Tab và chuyên tâm hoàn thành công việc của mình một cách từ từ hay không? Cá nhân mình là một người rất thích mở thêm Tab Chrome. Khi mà tra một từ khóa nào đó, việc tiếp theo đó là mình mở một loạt các trang trong Tab mới.
Và câu hỏi đặt ra đó là nên dùng trong trường hợp nào là tốt?
Cá nhân mình chỉ đưa ra lời khuyên cho các bạn.
Đối với những trang cá nhân, Blog, trang báo mạng, mạng xã hội: Các bạn nên sử dụng WPML hay Polylang hoặc là Weglot mới ra cũng được.
Đối với một số trang cho rất nhiều người dùng và nhiều ngôn ngữ vùng miền khác nhau. Giống như WordPress.com, cho phép tạo Blog riêng cho từng cá nhân và tất nhiên là tha hồ tùy biến ngôn ngữ theo ý muốn. Và các bạn muốn đạt được hiệu suất cao thì nên chọn Multilingual Press.
Ở đây mình xin nêu những thế mạnh và yếu của WPML (hay là Polylang) với Multilingual Press.
WPML
Điểm mạnh:
- Bạn có thể sử dụng cho Website WordPress đơn (1 Website) và có thể dịch sang rất nhiều ngôn ngữ khác nhau một cách rất đơn giản và dễ thao tác.
- String Translation giúp các bạn có thể dịch hầu hết các chuỗi văn bản có trên WordPress, giao diện và các Plugin,…
- Cũng có thể dùng WPML cho từng site con thuộc WordPress Multisite để dịch những phần còn sót như themes chưa hỗ trợ hết, Plugin không hỗ trợ hoặc là bạn muốn dịch theo ý muốn của chính bạn chẳng hạn.
- Bạn không cần phải đòi hỏi quản trị Multisite, việc của bạn chỉ là kích hoạt Plugin WPML và cấu hình nó theo ý muốn của bạn.
Điểm yếu:
- Việc dịch các chuỗi văn bản đòi hỏi bạn phải thao tác chính xác và cập nhật các tập tin po, mo xuyên suốt quá trình các Plugin hay Theme được nâng cấp.
- Tốc độ load time của trang sẽ chậm đi chút ít nếu trang bạn sử dụng nhiều ngôn ngữ và bạn có lượt truy cập cao dễ quá tải máy chủ.
- Bạn phải biết cấu hình cho WPML hoạt động và dịch đúng.
Đối với Multilingual Press.
Điểm mạnh:
- Vì tận dụng khả năng của WordPress multisite nên bạn cũng được hưởng lợi từ đây đó là chọn ngay ngôn ngữ ban đầu cho trang, các mục trên Menu, Chuyên mục, Trang, Bài viết bạn chỉ cần tạo theo đúng ngôn ngữ ban đầu bạn thiết lập mà không cần phải chỉnh sửa về sau.
- Không cần phải cấu hình nhiều và rắc rối, dễ dàng hơn đa số người dùng WordPress
- Khi tắt Plugin, mỗi trang vẫn sẽ tiếp tục hoạt động với ngôn ngữ đã thiết lập trước đó vì nó vẫn là một trang “chính quy” mà không phải tựa vào trang nào khác cả, việc này khác với Plugin WPML, nếu bạn tắt Plugin này trên trang đã cài đặt và sử dụng một vài ngôn ngữ bạn sẽ thấy một số lỗi phát sinh xảy ra.
- Quản lý dịch bài dễ dàng mà không phải chuyển qua lại giữa các site (WPML cũng làm rất tốt với việc dịch bài viết hoặc trang khác).
- Tốc độ sẽ được cải thiện hơn
Điểm yếu:
- Sử dụng WordPress Multisite để dùng Website đa ngôn ngữ đòi hỏi máy chủ của bạn phải được cấu hình phức tạp hơn, việc này cũng sẽ kén Plugin hơn (không tương thích).
- … Một số điểm yếu khác nữa nhưng mình chưa tổng hợp kịp.
Như vậy, việc sử dụng cách thức nào cho Website đa ngôn ngữ là do ở bạn.
Ghi chú: Trang VnGeek đa ngôn ngữ sử dụng WPML (viết tắt của Word Press Mặt lờ).
Cảm ơn bài viết của bạn. Mình có dùng thử Multilingual Press và khá thích nhưng gặp vấn đề về hình ảnh. Vì là trang đa ngôn ngữ nên dùng chung hình ảnh khá nhiều mà WordPress lại ko cho site này sử dụng ảnh của site khác. Mình có thử cài vài plugin hỗ trợ share hình ảnh giữa các site nhưng thường bị lỗi, chạy ko ổn định. Bạn có giải pháp ho vấn đề này thì chỉ giúp mình với nhé! Cảm ơn bạn
Thật ra Multilingual Press hỗ trợ bạn tạo các Multisite độc lập với những ngôn ngữ khác nhau. Nếu bạn muốn dùng chung hình ảnh và video thì bạn có thể dùng WPML sẽ dễ dàng hơn so với Multilingual Press.