Thông tin có thể biến mất mãi mãi, chúng ta phải làm thế nào?

0
597
(Last Updated On: Th6 26, 2018)

Hôm nay là một ngày có vẻ hơi ảm đạm, và với khá nhiều suy nghĩ quanh quẩn trong đầu, thì mình chợt nghĩ rằng thử tưởng tượng những bài viết, hình ảnh hay video mà mình quay bỗng dưng biến mất thì như thế nào? Đó quả là một điều tệ hại đối với mình. Và đó chỉ là ví dụ của riêng cá nhân mình, nhưng đối với cả thế giới thì thế nào? Chẳng hạn những máy chủ lưu trữ của khách hàng, trên đó có dữ liệu của trang web, thông tin, tài liệu,… và cả những đoạn phim, hình ảnh bị sự cố hay tấn công và khiến cho những dữ liệu này không thể khôi phục thì đó là thảm họa thật sự.

Không phải là mình lo xa hay là rảnh rỗi sinh nông nổi mà là vài năm trước chính mình đã bị sự cố này. Tất nhiên lỗi phần lớn là do mình và thiệt hại đó là mình mất hơn 30 bài viết mà mình đã “dày công” hoàn thành. Đó là con số rất nhỏ, nhưng là công sức và thời gian mà mình đã bỏ ra. Và cũng bởi vì mình không chịu tạo bản sao lưu một cách đầy đủ và an toàn nên phải gánh chịu hậu quả như vậy. Mình có những nỗ lực lấy lại những bài viết đó bằng cách vào Google và tìm kết quả đã được “cached” bởi Google, nội dung thì lấy lại được nhưng một số hình ảnh thì không. Sau đó thì mình cũng phải chấp nhận thực tế rằng những bài viết đó sẽ mất đi vĩnh viễn như chưa từng xuất hiện trên thế giới này.

Đảm bảo an toàn cho dữ liệu là điều vô cùng quan trọng, đó cũng là bảo tồn tri thức cho nhân loại.

Theo “Định luật bảo toàn năng lượng: Năng lượng không tự sinh ra cũng không tự mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác hay truyền từ vật này sang vật khác.” Vậy thì những “vật chất” đại diện cho dữ liệu chẳng biết chúng đã trở thành những thứ gì, đã từng xuất hiện nhưng biến mất chẳng để lại điều gì cả, có thể được “cached” bởi Google, hay lưu trữ bởi một con Bot nào đó, hoặc là một ai đó đọc được bài viết, có thể họ sẽ nhớ, truyền đạt lại cho một ai đó nhưng chẳng ai đảm bảo rằng những thông tin đó còn chính xác hay toàn vẹn nữa cả.

Chính vì vậy mình không khỏi lo lắng các bạn ạ. Mình giả sử như Datacenter của Digital Ocean hay Linode, không thì OVH chẳng hạn bị tấn công và hệ thống dự phòng của họ cũng bị sự cố thì không biết bao nhiêu Website, dữ liệu của bao nhiêu người bị ảnh hưởng. Và nó để lại hậu quả to lớn hơn nhiều so với vài chục bài viết của mình (thật sự thì mình cũng mơ hồ không nhớ thực sự đã viết những nội dung gì, cũng gần 5 năm rồi).

Vậy thì phải làm thế nào?

Chắc chắn chúng ta phải đảm bảo được tính toàn vẹn của dữ liệu cũng như lưu trữ tại nhiều nguồn khác nhau. Bạn chụp một tấm ảnh, khi bạn Upload nó lên Google Photo cũng đừng đinh ninh rằng dữ liệu của bạn sẽ an toàn 100%, không điều gì không thể xảy ra cả, mặc dù chúng ta biết Google là công ty công nghệ hàng đầu, với những Datacenter khổng lồ và bảo mật hơn hầu hết những đâu ai biết được?

Khi đó bạn có thể Upload tấm hình đó lên OneDrive, đính kèm nó rồi gửi tới các hòm mail như Yahoo Mail, Outlook hay Yandex chẳng hạn, à mà đừng quên Upload tấm đó lên Dropbox, mạng xã hội như Facebook hay Instagram. Như vậy sẽ an toàn hơn rất nhiều. Bạn cũng có thể chủ động chép nó vào một cái USB loại tốt, ghi vào một chiếc đĩa DVD nữa, rồi đem cho vào một cái hộp kín bằng sắt, chôn sâu dưới đất rồi vẽ lại bản đồ kho báu cho con cháu sau này, ít ra cũng tăng thêm bảo mật và an toàn cho tấm hình đó, không phải lo lắng đến việc mấy công ty bạn Upload tấm hình đó lên có ra làm sao.

Mình phải công nhận rằng khoa học và công nghệ mặc dù phát triển rất nhanh nhưng theo đó cũng kéo theo rất nhiều rủi ro, như là bị tấn công, bị sự cố, lỗi phát sinh,… không giống như ngày trước, chụp một tấm hình, 10 phút sau có ngay tấm hình cầm trong tay, đem về nhà cho vào cái khung ảnh, 10 năm sau, 20 năm sau vẫn còn đó chỉ có điều màu phai đi đôi chút, nếu thích thì có thể chụp lại rồi Upload lên Facebook hay Google Photo cũng được.

Hoặc là như lúc xưa quay bằng cái máy ảnh CyberShot của Sony, xong rồi tự ghi đĩa, 7, 8 năm sau đưa vào đầu đọc, kêu xoẹt xoẹt một hồi cũng xem được, chứ chép lung tung vào mấy thư mục trong ổ cứng, lỡ tay dọn dẹp xóa phải thì thôi xong (chỉ tương đối thôi nhé các bạn, những bạn nào cẩn thận, quản lý tập tin và các thư mục ngăn nắp thì sẽ không gặp phải tình trạng này đâu).

Những cuốn sách, tiểu thuyết được in trên giấy vẫn tồn tại lâu bền với thời gian.

Tóm lại thì tất cả đều do cách sử dụng của chúng ta, cũng như ý thức và tính cẩn thận. Nếu bạn không biết quý và coi trọng thành quả của chính bạn cũng như người khác thì bạn sẽ dễ mất đi những thứ mà lẽ ra bạn sẽ có được. Người ta có câu “có không giữ, mất đừng tìm” quả không sai, vì nhiều khi mất đi là mất mãi mãi, chẳng thể lấy lại được thì làm sao mà tìm.

Một vấn đề thường xuyên và rất hay xảy ra, với kinh nghiệm của công việc đi cài Win dạo trong khoảng thời gian mình còn là sinh viên, đó là những anh chị văn phòng cho đến mấy cô cậu sinh viên hay gặp lỗi mất file khi sử dụng Office. Kiểu như là đọc thì thấy ký từ loằng ngoằng không rõ nội dung, một loạt các tài liệu quan trọng đều trở thành vô nghĩa vì máy tính bị nhiễm Virus nặng nề. Đơn cử như có một bạn đưa mình chiếc USB chứa tài liệu của bạn ấy cho mình. Đem cắm vào máy tính thì ôi thôi một loạt các cửa sổ hiện ra, thư mục thì mờ mờ ảo ảo, các tập tin thì bị đổi tên và cả phần mở rộng nháo nhào cả lên, ấy thế là mình cài phần mềm diệt Virus vào, diệt một cái là mất sạch.

Sẵn mình giới thiệu một phần mềm rất tốt để các bạn có thể khôi phục một phần dữ liệu bị Virus tấn công hoặc sự cố do chính chiếc USB của bạn đó là: USB Flash Drive Recovery Software to Undelete Files của EaseUS.

Đa phần chủ yếu là do máy tính nhiễm Virus từ trước, một phần nữa là các bạn đem USB đó đi cắm khắp nơi, từ quán nét, tiệm photo cho đến cái máy tính của thằng bạn chứa đầy “JAV” rồi cả tá phần mềm “Cờ rắc”. Dữ liệu quan trọng trong chiếc USB sẽ bị đe dọa một cách nghiêm trọng. Chưa kể việc sốc điện đến chiếc USB do nguyên nhân nào đó,… Những điều đó khiến cho chiếc USB trở thành nơi chứa Virus, Malware các loại.

Theo mình, đối với các dữ liệu quan trọng, bạn nên sao lưu thường xuyên, trên các dịch vụ lưu trữ đám mây, trong ổ cứng dự phòng hoặc những máy chủ chuyên dụng, ban đầu sẽ có chút tốn kém, nhưng an toàn dữ liệu vẫn là quan trọng nhất. Bạn sẽ không thể hiểu cảm giác mất đi những bài viết mà bạn đã dày công soạn thảo chỉ trong một đêm đã biến mất chẳng để lại dấu vết gì.

Ghi chú: Sắp tới mình có bài viết về tác hại của sử dụng Plugin, Theme không bản quyền của WordPress, và hậu quả mà mình phải nhận lấy.

Bình luận