Lại thêm hiểu sai về “Modem kích sóng Wifi, bộ phát sóng Wifi tầm xa và nhầm tưởng về một Router phát sóng ngàn mét vuông…”

0
777
(Last Updated On: Th12 30, 2018)

Chào các bạn, ngày nay Wifi xuất hiện ở muôn nơi. Đi đâu bạn cũng có thể quét được 1 vài sóng Wifi nào đó (trừ mấy nơi rừng sâu nước đục cũng như mấy chỗ xa xôi không có điện, không có người sinh sống nhé). Thay vì ngày xưa muốn có mạng thì chỉ có ra quán nét ngồi kè kè cạnh cái máy tính to đùng, nếu mang máy tính xách tay từ nhà ra thì cũng phải kéo sợi dây mạng gắn vào, chẳng thể đi đâu được thì vào thời đại giờ chỉ cần có “pass” là được. Từ máy tính, điện thoại, ti vi đến các thiết bị điện thông minh đều có thể kết nối đến Wifi để hoạt động (chẳng hạn như bộ điều khiển nhà thông minh, công tắc điều khiển bằng điện thoại, thiết bị hẹn giờ tự động kết nối Wifi,…).

Chính vì sự mở rộng này trở thành một xu hướng tất yếu, bây giờ đăng ký kết nối Internet từ nhà mạng người ta ít quan tâm tới Modem có mấy cổng (Port). Mà là phát Wifi có mạnh và hỗ trợ 2 băng tần hay không? (2.4Ghz và 5Ghz).

Tuy nhiên có một sự hiểu lầm ở chỗ đó là một số bạn hỏi rằng đặt Modem ở tầng trệt thì trên tầng 3, tầng 4 sóng có lên được không? Tức là các bạn ấy muốn có một Modem phát sóng mạnh và yêu cầu nhà mạng lắp Modem nào phát sóng xa nhất…!

Nhưng sự thực là Wifi thật chất là một loại công nghệ kết nối và giao tiếp giữa các thiết bị điện tử. Không giống như mô hình phát – thu một chiều giữa đài truyền hình và ti vi dùng Ăng-ten như trước đây:

Tivi không gửi tín hiệu gì đến trạm phát sóng và chỉ nhận tín hiệu cho nên công suất và tần số phụ thuộc vào trạm phát sóng. Do đó truyền tín hiệu đi bao xa thì cũng chỉ đang nói đến trạm phát sóng.

Ngược lại đối với các thiết bị kết nối với một Router/Modem Wifi thì không chỉ thiết bị phát sóng Wifi cần phải mạnh và thiết bị thu sóng cũng phải có độ nhạy cao cũng như phát tín hiệu gửi lại. Đơn giản như việc bạn mở điện thoại lên –> vào trình duyệt web –> truy cập vào trang web Google tại địa chỉ https://www.google.com –> tín hiệu sẽ được gửi tới Router/Modem Wifi. Giả sử như trường hợp bạn có thể thấy kết nối Wifi, nhưng kết nối vào chỉ thấy 1 vạch sóng nhỏ (thông thường ở điện thoại di động thì có 3 vạch sóng – mà ngày nay hầu hết các thiết bị đều hiển thị dạng 1 dấu chấm và 3 vạch tạo thành hình nan quạt biểu hiện độ mạnh của kết nối Wifi). Mà các bạn cũng chú ý nhé, đây là hiển thị biểu hiện độ mạnh có thể hiểu như là cường độ sóng kết nối giữa thiết bị được kết nối và điểm phát sóng Wifi (Modem/Router) không phải là độ mạnh của kết nối Internet nhé, nhiều trường hợp Router/Modem bị treo sau một thời gian dài sử dụng hoặc do cấu hình sai vẫn phát sóng Wifi mạnh nhưng các thiết bị kết nối vào Wifi này vẫn không thể kết nối vào Internet.

Vậy nên một điều mình muốn khuyên các bạn đó là cần phải duy trì một khoảng cách vừa phải giữa thiết bị kết nối vào Wifi và Router/Modem. Đừng nên quá đầu tư vào một Router/Modem có khả năng phát sóng mạnh cùng với một Ănten phát có độ lợi cao nhưng lại sử dụng một chiếc điện thoại kết nối Wifi kém cách xa cả trăm mét thì cũng không mang lại kết quả. Trừ khi bạn sử dụng máy tính và dùng một thiết bị để kết nối vào Wifi có độ lợi cao chẳng hạn như TL-722N:

Bộ chuyển đổi USB Wi-Fi Độ lợi cao Tốc độ 150Mbps. Nguồn: TP-Link.

Giải pháp: Bạn có thể sử dụng thêm một vài Repeater để cải thiện kết nối Wifi cho mô hình tại nhà. Và tất nhiên băng thông sẽ giảm chút ít vì Repeater thật chất sẽ trở thành một Client của Router/Modem hiện tại và tiếp tục trở thành một trạm phát sóng không dây mới, dĩ nhiên khi Ping sẽ cao hơn một chút nhưng không thành vấn đề, còn hơn là không thể kết nối điện thoại hoặc máy tính bảng vào mạng khi Router/Modem ở quá xa.

Trở lại tiêu đề của bài viết một chút, thật ra một Router phát sóng với diện tích ngàn mét vuông là bình thường. Giả sử Router/Modem của chúng ta đặt ở giữa tâm một hình tròn thì dựa theo công thức: Diện tích hình tròn : Bình phương bán kính hình tròn nhân với PI.

Tức là 1000 = r² x π <=> r ≈ 17,84m. Tức là khoảng cách từ Router đến thiết bị kết nối chỉ dưới 20m.

Giả sử tại tâm hình tròn chúng ta đặt một Router thì khoảng cách 17.84M tính từ tâm ra bên ngoài sẽ có diện tích là 1000m² .

Thật chất là cả một khối cầu và nếu vui đùa một chút là một thể tích khối cầu xấp xỉ
23800 m3 .

Lại lang thang và tào lao rồi các bạn ạ. Hì, bạn hãy chọn một Router có một con Chip khỏe, bộ nhớ RAM nhiều nhiều một chút (con Router hiện tại mình đang dùng là TP-Link – Model: TL-WR1043ND dùng Chip Qualcomm Atheros QCA9558 có tần số 720MHz với bộ nhớ RAM 64MB, 30 người dùng cùng lúc khá ổn định. Mình để trước nhà và phòng ngủ sau 1 lớp cửa, 3 lớp tường với khoảng cách tầm 15M sóng vẫn ào ào với con iPhone 5S cũ mèm), nếu khoảng cách xa quá thì nên nghĩ tới Repeater hoặc thiết bị mở rộng mạng qua đường dây điện (chỉ cần cắm vào ổ điện và chung kết nối dây là có thể sử dụng được, lúc này dây điện trở thành nơi để truyền dẫn tín hiệu). Đừng nên hao tốn hầu bao vào một Router quá mạnh trừ khi thiết bị bạn sử dụng là đặc thù có độ nhạy cao. Cũng có thể sử dụng cách truyền thống đó là dùng thêm một Modem/Router phụ rồi kết nối bằng dây Ethernet đến Router/Modem chính cũng là một cách làm đơn giản và mang lại hiệu quả cao.

Chúc mạng nhà bạn luôn ổn định.

Bình luận