Sử dụng chế độ WDS: Nên dùng Firmware gốc thay vì OpenWRT hay DD-WRT trên Router TP-Link

0
564
(Last Updated On: Th3 6, 2019)

Chào tất cả các bạn. Chuyện là mình thì có kết nối một đường Line Internet ADSL của VNPT và cả cáp quang của Viettel. Tuy nhiên thật sự thì các bạn cũng biết rằng mạng cáp quang có nhiều lợi thế hơn. Vì đường Line ADSL mình đăng ký từ khoảng năm 2010 đến giờ và dùng cũng OK nên mình không có ý định nâng lên gói cáp quang (mình được ưu đãi chỉ phải trả mức phí là 79 ngàn đồng/tháng, nâng lên cáp quang thì phải ít nhất là 150 ngàn đồng nên mình quyết định để nguyên luôn). Tuy nhiên sẽ không có gì đáng nói khi mà máy tính của mình thì đặt ở một căn nhà khác cách căn nhà hiện tại (của bố mẹ mình) là khoảng 80m. Dĩ nhiên mình muốn tiết kiệm chi phí hết mức có thể vì thế cho nên mình quyết định chỉ giữ nguyên những đường Line cũ và tiến hành bắt sóng Wifi “ké” nhà của bố mẹ mình.

Các bạn đừng hỏi tại sao mình không chuyển địa điểm dây cáp quang Viettel sang nhà mới và giữ nguyên đường Line ADSL cũ nhé. Bởi vì mình muốn kết nối ở nhà bố mẹ mình là nhanh nhất, tốt nhất, cho nên ở nhà mới mình chỉ bắt Wifi “ké” là được rồi.

Thế là mình đã rước về 2 em: Cùng một loại Router TP-Link 1043NDv3. 1 chiếc mình để nhà bố mẹ, chiếc còn lại mình để nhà mới để làm Repeater. Ở đây mình nói nôm na là Repeater, nhưng thật ra là cấu hình WDS. Về công năng thì Repeater, Extender và cả WDS thì gần như tương tự nhau, mỗi cái đều có ưu và nhược riêng. Và mình xin phép tách ra thành một bài viết khác để nói sâu hơn. Trong khuôn khổ bài viết này chỉ nói đến nên dùng Firmware nào khi sử dụng chế độ WDS trên Router TP-Link mà thôi.

Trước tiên xin giới thiệu với các bạn một chút, vì Wifi có tính chất hai chiều (gửi đi và nhận lại tín hiệu cũng như các gói tin), vì thế cho nên thiết bị phát và thu cũng đều phải có công suất và ăngten cũng phải có độ lợi đủ để nhận được tín hiệu ở mức chấp nhận được để đảm bảo kết nối Wifi được ổn định cũng như phục vụ được các nhu cầu cơ bản như lướt web, xem phim, streaming,… cho đến yêu cầu khắt khe về tốc độ phản hồi nhanh để chơi game. Thật ra thì chơi game không đòi hỏi băng thông nhiều, nó đòi hỏi về độ trễ. Chính vì thế một mạng không phải xem YouTube vèo vèo là đồng nghĩa với việc chơi game cũng sẽ mượt, tuy nhiên cái gì cũng có tính tương đối cho nên mình không “chém gió” thêm nữa.

Điều đầu tiên đó là mình trang bị cho hai chiếc Router TP-Link 1043ND hai chiếc ănten Wifi độ lợi cao 11dBi – đây là ănten đẳng hướng (mình mua trên Tiki giá 117 ngàn đồng), cùng với hai ănten Panel 8dBi Direction (ănten định hướng – phát sóng wifi tập trung vào một hướng). Mình trang bị mỗi em một chiếc ănten để chúng bắt tín hiệu với nhau tốt hơn (ănten gốc là ănten đẳng hướng 5dBi).

Các bạn chú ý: Ăngten độ lợi càng cao thì phát sóng càng xa tuy nhiên độ rộng giảm lại. Y như chiếc nan quạt vậy. Độ lợi cao thì nan quạt hẹp lại, độ lợi thấp thì nan quạt rộng ra, cái Modem Alcatel-Lucent mà mấy bác Internet lúc trước hay được lắp sử dụng Ăngten 2dBi, cái này độ phủ là vô đối nhưng không đi được xa và khó xuyên tường, nhưng ngồi gần xung quanh nó thì OK.

Đây là chiếc Ăngten đẳng hướng 11dBi mà mình trang bị cho mỗi em một chiếc.

Còn dưới đây là Ănten Panel 8dBi (mình đặt mua trên Aliexpress, đợi gần một tháng mới có :)):

Ăngten định hướng 8dBi sẽ giúp sóng Wifi đi theo một hướng cố định và tập trung, không bị phân tán ra như Ăngten đẳng hướng.

Trước tiên thì test sơ sơ một chút:

Ghi chú: Mình có nối thêm sợi dây nối dài từ Router đến Ănten Panel 8dBi. Mỗi dây cho mỗi Router dài 5m, vậy là mình rút ngắn được thêm 10m so với khoảng cách giữa 2 nhà là tầm 80m –> đỡ được chừng nào hay chừng đó. Bạn có thể thấy cường độ sóng thấp hơn -30dBm thế là OK rồi (chỉ sợ dây bị đứt, he he he).
Đây là khi mình sử dụng các ăngten 5dBi đi kèm.
Đây là khi thay bằng 2 Ăngten 11dBi đẳng hướng của ToTolink, có vẻ cải thiện ra phết.
Cũng với 2 ăngten đẳng hướng của ToTolink nhưng mình xoay chỉnh Ăngten một chút.

Và cuối cùng đó là dùng 1 Ăngten 5dBi của hãng + 1 Ăngten 11dBi của ToTolink và 1 Ăngten Panel 8dBi của CS Family:

Cường độ sóng -49 dBm quả thật là quá tốt rồi.

Tiếp tục đó là mình tiến hành cấu hình:

Router chính – WDS Host (cấu hình Bridge và phát sóng Wifi với SSID là VnGeek). Sử dụng Firmware OpenWRT (vì mình muốn tăng hết công suất đó là 25dBm/316 mW cũng như mình đánh giá đó là ổn định hơn Firmware gốc khi cấu hình Bridge để quay số PPPoE).

Router làm WDS Client (Mình đã thử lần lượt với Firmware OpenWRT, DD-WRT và Firmware gốc (3.16.9 Build 150514).

Cuối cùng mình có được kết quả như sau:

Trên OpenWRT: Cường độ sóng khá mạnh, Ping thấp, mình có cài thêm Watchcat để tự khởi động khi mất kết nối, tuy nhiên thỉnh thoảng mất kết nối với WDS Host (Router chính, xem log thì báo là AP-STA Disconnect).

Trên DD-WRT: Cường độ sóng cũng khá mạnh, Ping cao hơn so với OpenWRT, thi thoảng vẫn bị ngắt kết nối với WDS Host.

Trên Firmware gốc của TP-Link: Cường độ sóng tương đối, mạng ổn định, Ping tương đối, điểm mạnh nhất đó là rất ít khi bị ngắt kết nối với WDSS Host. Có thể nói ở chế độ WDS làm Client, Firmware gốc của TP-Link hoạt động ổn định nhất.

Bình luận