UrBackup là một công cụ sao lưu dữ liệu hoạt động trên mô hình máy chủ/máy khách (server/client). Mô hình này có thế mạnh đó chính là tận dụng được nhiều cơ sở hạ tầng có sẵn, và chỉ cần có kết nối mạng giữa các hệ thống thì UrBackup hoạt động một cách trơn tru. Mang lại hiệu suất cao cũng như hiệu quả kinh tế. Một máy chủ ở cách xa hàng trăm ki-lô-mét vẫn có thể khôi phục cho dữ liệu của client một cách nhanh chóng nhưng không kém phần an toàn. Một điểm nữa đó là UrBackup hoạt động trên nhiều nền tảng một cách uyển chuyển. Chính vì lẽ đó nên ngày hôm nay mình xin phép mạo muội viết bài viết chia sẻ cách thiết lập UrBackup Server trên các máy tính dùng hệ điều hành Windows.
Ở bài viết Sao lưu và khôi phục dữ liệu máy tính với UrBackup. Mình đã có hướng dẫn sơ lược về cài đặt client cũng như server đối với UrBackup. Hôm nay mình sẽ đi sâu chi tiết hơn một chút.
Đối với hệ điều hành Windows, bạn có thể dùng bản Windows 7/8/8.1/10 và các bản Windows Server (tốt nhất là bản Windows Server 2008 R2, Windows Server 2012 R2 và Windows Server 2016 Datacenter). Trong trường hợp của mình thì mình sử dụng bản
Windows Server 2008 R2 để cho đỡ tốn RAM một chút.
Đảm bảo rằng hệ điều hành của bạn đã được cài đặt gói Update của Windows
(KB2999226). Trường hợp bạn đang sử dụng Windows 10 thì không cần phải lo lắng điều gì cả.
Bạn tải về bản UrBackup server cho Windows tại địa chỉ này.
Sau đó truy cập địa chỉ: http://localhost:55414 hoặc http://ip-máy-chủ-của-bạn:55414. Trong LAN thì bạn không cần mở Port 55414 nhưng nếu truy cập từ mạng khác bạn hãy mở Port 55414 nhé. Bạn cũng có thể dùng Nginx Reverse Proxy cho dịch vụ Web Interface của UrBackup sau này cho nó chuyên nghiệp cũng được.
Nếu xuất hiện lỗi (dos_names_created)… gì gì đó thì có thể bạn gặp lỗi 8dot3name. Thực chất đây không phải là lỗi mà là chính là một chức năng đặt (tạo) tên tệp với các quy ước đặt tên tệp MS-DOS trên phân vùng NTFS của Windows. Các quy ước này giới hạn tên tệp thành tám ký tự và các phần mở rộng tùy chọn thành ba ký tự. Cũng chính vì thế nên có thể sẽ phát sinh ra lỗi sau này và gây cản trở việc sao lưu và đôi khi gây phản tác dụng vì những gì sao lưu chẳng thể sử dụng vì tên tệp tin không chính xác. Kiểu như có một anh chàng tên Tèo-Đẹp-Trai-Cao-To-Khỏe-Mạnh nhưng hệ thống chỉ lưu là Tèo-Đẹp-Trai thì về bản chất là bị thiếu tên, nhưng đôi khi lại là một người khác chẳng hạn như Tèo-Đẹp-Trai-Khoai-To chẳng hạn =)).
Việc cần làm đó chính là bạn vào Registry và thiết lập giá trị NtfsDisable8dot3NameCreation là 2:
HKEY_LOCAL_MACHINE\System\CurrentControlSet\Control\FileSystem\
Bây giờ quay trở lại cmd, bạn gõ lệnh:
fsutil 8dot3name set E: 1
Đừng quên nhấn phím Enter nhé.
Bạn cũng có thể kiểm tra đã thay đổi thiết lập thành công chưa bằng dòng lệnh (trường hợp mình thiết lập cho phân vùng ổ E):
fsutil 8dot3name query e:
Và nếu nhận được kết quả tương tự thế này là đã thành công:
The volume state for Disable8dot3 is 1 (8dot3 name creation is disabled).
The registry state of NtfsDisable8dot3NameCreation is 2, the default (Volume level setting).
Based on the above two settings, 8dot3 name creation is disabled on e:.
Thiết lập trên Client (Ubuntu) với một dòng lệnh đơn giản (ở bài viết trước chúng ta thực hiện phương pháp Build client, bây giờ Install Client luôn cho nhanh):
TF=`mktemp` && wget "https://hndl.urbackup.org/Client/2.3.4/UrBackup%20Client%20Linux%202.3.4.sh" -O $TF && sudo sh $TF; rm $TF
Bạn có thể tìm hiểu các dòng lệnh của UrBackup với lệnh:
urbackupclientctl --help
Tuy nhiên thiết lập Backup Dir là điều quan trọng nhất nếu như bạn không muốn tìm hiểu nhiều:
urbackupclientctl add-backupdir -d /
Lệnh ở trên đó là thêm thư mục sao lưu là: / (thư mục gốc trên Linux).
Khởi chạy UrBackup Client:
urbackupclientctl start -i
Tùy chọn “-i” tức là chạy một sao lưu Incremental (hệ thống sẽ tạo một Full Backup trước, sau đó là các bản sao lưu nhỏ hơn, dựa trên những gì thay đổi so với Full Backup ban đầu, cách này giúp tiết kiệm không gian ổ cứng cũng như tài nguyên hệ thống).
Theo các phiên bản UrBackup Client và Server hiện tại. Thì trên Client sẽ chỉ cho phép Server đầu tiên nhận thấy có quyền nhận các bản sao lưu. Chính vì thế nếu như bạn thiết lập thêm một Server UrBackup mới, bạn có thể nhận được lỗi như hình dưới:
Lúc này bạn cần thêm Server mới này vào Client. Việc cần làm đó là bạn sẽ thêm
server’s identity key vào tập tin server_idents.txt trên Client.
Tập tin server_idents.txt nằm trên thư mục cài đặt UrBackup Client. Bạn có thể tìm nó bằng lệnh locate trên Linux:
locate server_idents.txt
Chờ một chút và quay trở lại Web Interfaces của UrBackup Server. Bạn sẽ thấy rằng nó đang Index:
Mọi thiết lập sau này, bạn cũng chỉ cần thực hiện trên UrBackup Server bằng cách chọn kiểu sao lưu (File hay Image, Full hay Incremental) tại mục Status của Web Interfaces:
Sau này sau khi File hay Image Backup được tạo xong, bạn có thể Restore thông qua Web Interfaces của UrBackup Server. Trường hợp hư hỏng hệ thống nặng, bạn có thể Restore bằng cách:
- Cài mới hệ điều hành giống hệ điều hành cũ, sau đó cài đặt UrBackup Client và thiết lập server’s identity (như ở trên) để kết nối với UrBackup Server và chọn Restore.
- Dùng UrBackup CD và Restore bằng cách chọn bản sao lưu từ UrBackup Server.
Chúc các bạn thành công! Một ngày cuối tháng vui vẻ và sắp sửa là Tết Nguyên Đán 2019 tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.