Roda xe thế nào cho đúng cách?

0
1196
(Last Updated On: Th10 30, 2018)

Roda, hay Rô-đai là công việc vô cùng quan trọng cho hầu hết các thiết chứ không riêng gì xe máy, ô tô.

Rô đa (từ gốc tiếng Pháp là Rodage) theo Vietgle Tra từ. Rô đa là một kỹ thuật, thời kỳ mà chúng ta sử dụng, vận hành thiết bị một cách hợp lý khi chúng còn mới để đảm bảo chúng sẽ hoạt động trơn tru và bền bỉ sau này.

Đối với xe máy, ô tô cũng vậy. Quá trình Rô đa tác động chủ yếu lên động cơ, các chi tiết như Đĩa phanh, Bạc đạn sẽ được mài mòn đúng cách thay vì cứ leo lên xe mà phóng, không quan tâm đến quá trình rô đa thì chắc chắn xe của bạn sẽ không thể hoạt động bền bỉ lâu dài về sau được.

Một chiếc Motor phân khối lớn.

Tại sao cần phải có quá trình Rô-đa:

Các chi tiết máy sau khi sản xuất chúng sẽ được lắp ráp lại với nhau. Từ những con ốc vít, trục khuỷu, xupap, lò xo, pit-tông,… dù có được chế tạo một cách chính xác cao đến thế nào thì chắc chắn vẫn còn đó những “góc cạnh”, vẫn còn có “gờ” chưa “nhẵn mịn”. Do đó cần phải có khoảng thời gian hoạt động thích hợp đủ để các chi tiết này trở nên trơn tru hơn.

Chi tiết bên trong một động cơ.

Có rất nhiều chi tiết cực kỳ phức tạp trong một động cơ đốt trong (chung cho động cơ diesel và xăng). Sau một thời gian được chạy Rô-đa, các chi tiết này sẽ cùng hao mòn (rất ít) nhưng đủ để chúng có thể trở nên đồng bộ hơn. Bạn cứ tưởng tượng chẳng hạn như Pittông sau khi mới được lắp ráp, bề mặt của nó khá gồ ghề. Nếu cứ bắt động cơ hoạt động với công suất cao, sẽ nhanh chóng gây hại tới vì nó chưa kịp mài mòn từ từ để trở nên nhẵn mịn, kết quả là sẽ cào xước thành máy xung quanh, hao tốn nhiên liệu nhiều hơn và chắc chắn sẽ không thể hoạt động bền bỉ lâu dài trong tương lai.

Có vài lưu ý các bạn cần chú ý:

Đối với xe ô-tô:

Trong thời gian mới nhận xe, chạy với tốc độ vừa phải, tăng, giảm tốc từ từ và thường xuyên (chạy trên nhiều cấp số để các bánh răng và chi tiết hộp số mòn đều). Hạn chế để vòng tua máy lên quá cao sẽ không tốt cho động cơ. Không chở quá nhiều người trên xe hay hàng hóa kèm theo. Bạn cứ chạy một thân một mình trên xe dạo dạo uống cà phê, đi đâu đó cho đến đủ số km mà nhà sản xuất khuyến cáo cho lần thay nhớt đầu tiên (thông thường từ 500km –> 1000km), nhưng cũng tùy xe cho nên các bạn nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, các Gara của hãng họ cũng hay treo giấy nhắc bảo dưỡng ngay cần điều khiển gạt nước hoặc cần điều khiển đèn cốt/pha, chú ý theo dõi và làm theo khuyến cáo.

Nhiều bạn lầm tưởng là cứ chạy chậm là được nhưng cần chú ý tới vòng tua máy, chạy chậm mà để tua máy cao thì vẫn không tốt cho động cơ. Còn vòng tua nào thích hợp thì bạn cần phải biết cảm nhận hoặc nhờ người có kinh nghiệm lái xe chỉ bảo cho, học thầy không tày học bạn, cứ hỏi nếu bản thân không biết.

Việc khởi động và chờ để động cơ được bôi trơn đầy đủ là điều cực kỳ cần thiết và bạn cần phải tập thói quen như vậy lâu dài về sau. Đây là việc rất nhỏ nhưng nếu bạn không chú ý là thói quen gây hại cho động cơ, bởi lúc chưa được bôi trơn đầy đủ chính là lúc các chi tiết bị mài mòn rất nhanh.

Chú ý mức nhớt cho động cơ: Ở đây bạn cần chú ý mức nhớt trong động cơ, châm nhớt trong mức khuyến cáo theo que thăm nhớt.

Chú ý mức nhớt hiển thị trên que thăm nhớt thường xuyên ít nhất một tháng 1 lần. Hoặc trước khi đi xa.

Cũng nên thay nhớt sau 6 tháng dù chưa đủ số km. Mặc dù nhớt có phụ gia bảo quản nhưng sau thời gian chất lượng của nhớt cũng giảm theo thời gian.

Đối với xe máy:

Thay nhớt lần đầu sau khi mua xe theo mốc 150km, 500km và cứ mỗi 1000km tiếp theo thì thay nhớt một lần. Nhớt máy trong thời kỳ đầu sẽ chứa nhiều vụn kim loại, mạt sắt cho nên cần thay sớm hơn bình thường. Nếu bạn không thay theo khuyến cáo sẽ gây hại cho động cơ khá nhanh.

Cũng chính vì điều này mà bạn nên thay nhớt định kỳ. Nhớt giảm chất lượng, chứa nhiều tạp chất (cặn bẩn, kim loại từ quá trình bào mòn) sẽ gây hại cho động cơ.

Tăng giảm số thường xuyên (đối với xe số) và cũng tăng giảm tốc độ nhẹ nhàng trên xe tay ga. Không chạy quá nhanh hay thốc ga đột ngột, cố gắng duy trì vòng tua máy vừa phải (đối với xe phân khối lớn có hiển thị, còn xe không có hiển thị thì các bạn tự cảm nhận). Không chở nhiều người và vật nặng trên xe.

Đối với xe tay ga bạn có thể Rô-đa bằng cách dựng chân chống đứng lên và nổ máy tuy nhiên không cần quá lâu và nhớ dựng xe ở nơi thoáng khí. Bởi nếu không thoáng khí thì chính xe cũng xe không được rô-đa tốt do bộ chế hòa khí không có nguồn không khí trong lành và giàu ô-xi để cung cấp cho động cơ và tác hại dễ thấy nhất đó là mùi khí xả không mấy dễ chịu và gây hại sức khỏe mà bạn phải hít phải. Còn đối với hầu hết các xe số (tản nhiệt bằng dòng khí lưu thông làm mát qua lốc máy) thì không nên Rô-đa tại chỗ mà chỉ di chuyển xe bình thường thì tốt hơn.

Đối với các thiết bị khác

Bất cứ máy móc hay vật dụng nào sau khi lắp ráp lại cũng nên cần có một thời gian hoạt động Rô-đa. Bởi đây giống như một quá trình tập luyện cho thiết bị để các chi tiết của thiết bị hoạt động trơn tru hơn. Tùy theo kinh nghiệm của mỗi người nhưng một điều rất quan trọng bạn đừng bao giờ bỏ qua: Đọc kỹ sách hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Bình luận